Thúy Hà
Đến nay, ông Nguyễn Đồng vẫn nhớ như in cái cảm giác hết sức trăn trở vào một ngày hè năm 2008, trước khi trao quyết định bổ nhiệm ông làm Giám đốc Công ty Xăng dầu B12, Chủ tịch Petrolimex lúc đó Vũ Ngọc Hải tâm sự: “Đồng ơi, Công ty Xăng dầu B12 lớn như thế, điều kiện thuận lợi như thế tại sao kinh doanh không có lợi nhuận!”.
Ông hiểu, đó không chỉ là câu hỏi, mà là cả một lời hiệu triệu, một kỳ vọng đặt lên vai một công ty đầu mối phía Bắc của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Quả thực, chỉ riêng về địa lý thôi, B12 đã nhận được khá nhiều ưu đãi rồi. Địa bàn kinh doanh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực duyên hải, bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, cũng là những tỉnh có công nghiệp, có cảng biển, du lịch, dịch vụ đều phát triển.
Những câu hỏi trên cứ trở đi, trở lại trong tâm người đứng đầu, đi vào giấc ngủ, nằm trên bàn các hội nghị, giao ban, theo chân ông xuống từng đơn vị, bộ phận trải dài qua 4 tỉnh… Và, với sự giúp sức của các bộ phận chuyên môn, ông đã tìm ra những “Nút thắt”.
Thứ nhất, điểm hòa vốn của tuyến đường ống là phải vận chuyển trong khoảng 2,6 - 2,7 triệu m3, trên mức đó bắt đầu có lãi; nhưng thực tế mỗi năm thường chỉ trên dưới 2 triệu m3 xăng dầu chảy qua tuyến ống.
Thứ hai, theo tính toán của Tập đoàn, vận tải tuyến ống mang tính chất đáp ứng nhu cầu xăng dầu, giảm chi phí tạo nguồn cho các đơn vị tuyến sau tạo ra giá cạnh tranh hơn, cho nên cũng chưa đặt lợi nhuận đối với tuyến ống B12 trong khi bao con người đang cần mẫn vận hành.
Thứ ba, công tác quản lý còn lỏng lẻo, hàng hóa trên tuyến ống không quản lý được dẫn đến chi phí vận hành cao.
Thứ tư, điều kiện thuận lợi nhưng công tác kinh doanh chưa quan tâm mở rộng để nâng cao sản lượng doanh thu, tiết giảm chi phí nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Để đạt được mục tiêu hiệu quả phải quan tâm lĩnh vực đầu tư. Đây là thời kỳ B12 triển khai hàng loạt các dự án: Xây mới 4 bể xăng dầu tại Kho K130 sức chứa 72.000 m3; mở rộng sức chứa Kho K131 lên 40.000 m3 và xây dựng Kho xăng dầu Hải Dương mới 40.000 m3; thay mới tuyến ống nhập tầu với đường kính 406 mm, đầu tư tuyến ống mới từ Quảng Ninh đi Hải Phòng và từ Hải Phòng đi Hải Dương có đường kính 323 mm, đầu tư trạm bơm chính mới cùng hệ thống phụ trợ tại K130, K131 và K132 đưa vào khai thác sử dụng đã nâng công suất lên gấp 3 lần, cho phép nhập tầu 40.000 tấn chỉ trong 24 giờ, năng lực bơm tuyến ống B12 đã vượt ngưỡng 3,2 triệu m3 xăng dầu /năm. Đến nay, năng lực tiếp nhận xăng dầu qua Cảng lên đến 6,5 triệu m3/năm; thời gian hàng tại Cảng giảm, tàu 40.000 m3 được giải phóng chỉ trong 24h; vận chuyển xăng dầu qua tuyến ống đạt trên 3 triệu m3/năm. Những khó khăn để hoàn thành các dự án này là rất nhiều không thể kể hết được. Chỉ vui nhất đó là buổi tổng kết hoàn thiện nâng cấp dự án kho tuyến bể ở B12 ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Để nâng cao hiệu quả tuyến ống B12 còn phải kể đến lĩnh vực quản lý hàng hóa. Để làm được điều này không phải dễ, Công ty đã phải đề xuất Tập đoàn giao cho quản lý đồng hồ lưu lượng kế tuyến ống mà bao năm không thể giao nhận bằng phương tiện tiên tiến này. Có thể nói có được “cái cân” tốt là rất quý nhưng làm thế nào người mua tin tưởng lại phụ thuộc vào phương pháp triển khai. Và rồi vượt qua mọi khó khăn và thời gian giao nhận bằng lưu lượng kế tuyến ống là phương thức giao nhận tiên tiến và hiệu quả kinh tế nhất. Đồng thời với giao nhận bằng đồng hồ lưu lượng kế việc thuyết phục đầu tư hệ thống đo mức tự động, thay đổi cách suy nghĩ và tác phong của người công nhân là một quá trình lâu dài và áp dụng khoa học vào quản lý và sản xuất là xu thế thời đại nhất định sẽ thành công. Và bây giờ trên tuyến ống B12 đã được kiểm soát từng giây từng dòng dầu vào ra tại mỗi địa điểm đều được theo dõi và lưu trữ tại trung tâm điều độ Công ty.
Để thấy được công sức của gần 1.000 lao động ngày đêm trên tuyến ống xăng dầu, Lãnh đạo Công ty đã báo cáo với Tập đoàn về chi phí thực tế của vận tải đường ống đề xuất các giải pháp theo hướng hài hòa lợi ích giữa đơn vị quản lý, vận hành tuyến ống với các đơn vị tuyến sau, và căn cứ vào mục tiêu từng giai đoạn Tập đoàn đã ban hành các quyết định phù hợp nhất.
Cùng với việc đầu tư mở rộng mạng lưới kinh doanh, thực hiện mô hình quản lý khoa học, mở rộng mối quan hệ với khách hàng, thực hiện văn minh thương mại đã tạo uy tín và thương hiệu của Công ty xăng dầu B12 đối với khách hàng gần xa. Hiệu quả kinh doanh của Công ty ngày càng tăng trưởng rõ rệt.
Giải quyết được những điểm mấu chốt của bài toán đã đưa đến thành công, từ năm 2008 đến nay B12 liên tục có có lãi. Năm 2017, trước thềm chuẩn bị cho kỷ niệm 45 năm thành lập, lần đầu tiên B12 thực hiện tiếp nhận 182 chuyến tàu với sản lượng xăng dầu nhập qua Cảng Dầu vượt con số 4,2 triệu m3; tổng sản lượng xăng dầu xuất bán trực tiếp của Công ty tiến sát mức 1triệu m3; doanh thu vượt con số 10.800 tỷ, nộp ngân sách 1.958 tỷ; lợi nhuận đạt trên 250 tỷ đồng.
Nói thì đơn giản vậy, nhưng để triển khai được các dự án nói trên, lãnh đạo và cán bộ các Ban quản lý dự án của B12 đã bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ cho các khâu tổ chức đầu tư, trong đó, gian nan nhất là giải phóng mặt bằng.
Ở đâu câu chuyện giải phóng mặt bằng cũng khó khăn, nhưng với B12, mỗi dự án, từ tuyến -8, tuyến BT đến Kho K130, Kho Hải Dương… là mỗi trường đặc biệt, nghĩa là không thể đem kinh nghiệm giải phóng mặt bằng của dự án này để áp dụng cho dự án kia; mỗi dự án lại phát sinh thêm những tình huống “dở khóc, dở cười” phải giải quyết.
Bởi thế, người đứng đầu như ông, suốt những năm 2008 đến 2011, 2012 khi kết thúc giai đoạn đầu tư mở rộng, nâng cấp bộ 3 hệ thống cứ miệt mài tìm cách giải quyết các điểm “nóng” giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó là “hàng núi” công việc thường trực hàng ngày như điều hành sản xuất, kinh doanh, họp bàn với các đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị xây lắp, đơn vị cung cấp thiết bị và phục vụ khách hàng.
Không chỉ chỉ đạo, họp bàn ra những quyết sách, bản thân ông còn trực tiếp tham gia xử lý những điểm “nóng”. Anh Giáp, Trưởng phòng hành chính tổng hợp B12 bật mí, ở tuyến -8, sự việc phức tạp đến mức cán bộ hết sức can ngăn ông Đồng đến với những hộ dân trong diện giải tỏa, nhưng ông vẫn kiên quyết xuất hiện. Đầu tiên họ phản ứng, đòi hỏi và nói bậy…, thấy ông vẫn bình tĩnh hỏi han tình hình, nghe họ trình bày, họ kiến nghị. Ông lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng và đề xuất cách giải quyết, cam kết đảm bảo những lợi ích chính đáng của người dân. Cuối cùng, tuyến -8 sau khá nhiều thời gian bị đình trệ đã giải phóng được mặt bằng.
Rồi những chuyện ở Tràng Bạch, Quảng Ninh, hộ dân giải tỏa là chủ vựa than - một tay “anh chị” có hạng; chuyện giải phóng mặt bằng qua đất trang trại để lấy bãi thi công, qua những cái đầm người dân đang canh tác, qua những biệt thự dân mới xây; chuyện ở Kho Hải Dương mới, dự án đã xong hết, còn mỗi tuyến qua xã Việt Hòa để kết nối thì bị tắc, v.v và v.v… Mỗi nơi phức tạp một kiểu.
Với mỗi dự án, dù đều phân công cán bộ ở đó bám sát địa bàn, cùng ăn, cùng ở với dân, cùng dân tháo gỡ từng trường hợp cụ thể. Nhưng khi xuất hiện những điểm “nóng”, không thể vắng bóng dáng của người đứng đầu. Khi mở rộng Kho K130 lên 72.000m3, ông phải xuống địa phương, gặp gỡ nhân dân để tháo gỡ, trực tiếp chỉ đạo để đảm bảo khánh thành đúng tiến độ.
Quyết liệt và có nhiều giải pháp thích hợp trong giải phóng mặt bằng đã giúp các dự án đảm bảo tiến độ cùng với những sáng kiến đổi mới trong quá trình thực hiện nên đã góp phần vào tiết kiệm giá trị đầu tư.
Là người say mê công nghệ, ông luôn khát khao ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, sản xuất. Ông tâm sự, B12 có kho, có cảng, có tuyến đường ống, có xí nghiệp bán lẻ… Muốn quản lý cái hệ thống ấy, muốn phân cấp từng phần việc trong hệ thống ấy, thì cấp quản lý cao nhất phải biết trong những cái “túi” của mình có cái gì, đang ở đâu? đang vận động thế nào?.. Tất cả những ứng dụng khoa học công nghệ hay phát triển phần mềm chỉ để nhằm vào cái “biết” này và vận hành nó một cách tối ưu.
Khi chúng tôi lên Phòng điều độ trung tâm B12, cái “túi” của Công ty hiển thị rành mạch trên 3 màn hình. Màn hình thứ nhất là hệ thống đo mức tự động để báo một cách kịp thời & chính xác số liệu hàng hóa tại các kho, màn hình thứ 2 theo dõi việc bơm hàng trên tuyến ống, màn hình thứ 3 theo dõi xuất hàng tại các bến xuất của Công ty.
Người ngoại ngạch như chúng tôi, nhìn trên màn hình cũng biết được Kho K131 ở Hải Phòng đang xuất với lưu tốc 321 m3/h và đang nhập ở lưu tốc 342 m3/h. Màn hình bên cạnh con số nhảy liên tục báo từng lít xăng dầu đang xuất ra xe téc, xà lan, tàu biển.
Kho K130 - trái tim của B12 và nguồn xăng dầu miền Bắc cũng vậy, Toàn bộ các thông số của bể chứa như: chiều cao mức chất lỏng, nhiệt độ, thể tích chất lỏng, trạng thái xuất, nhập đều được hiển thị trên màn hình.
Bản thân ông cùng các cộng sự phòng tin học trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng CNTT vào điều hành quản lý, qua đó đã làm lợi hàng tỷ đồng. Một số ứng dụng tiêu biểu như: Ứng dụng CNTT trong Quản lý chất lượng Xăng dầu; Triển khai ứng dụng CNTT trong Quản lý Cơ sở vật chất kỹ thuật…
Bây giờ, câu chuyện ứng dụng CNTT dễ nhận được sự ủng hộ rộng rãi, song những ngày đầu, ông phải “đấu tranh” để bảo vệ cho ý tưởng đầu tư hệ thống đo mức từ xa. Sở dĩ nhiều người lo ngại vì trước đây B12 đã từng làm, 1 đơn vị khác thuộc Tập đoàn cũng từng làm, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng. Ông phải bắt đầu làm hệ thống tự động ở kho, ở cảng. Nói như anh Giáp, lãnh đạo Công ty, cán bộ kỹ thuật và cán bộ tin học phải trực tiếp làm việc ở kho, cảng, nghiên cứu, xử lý những vướng mắc, trục trặc. Khi hệ thống tự động ở kho, cảng được chứng minh bằng khoa học, bằng thực tiễn, ông mới thuyết phục được Tập đoàn chấp thuận cho đầu tư hệ thống đo mức từ xa trên toàn bộ hệ thống.
Tiễn chúng tôi đến chân cầu thang, ông Nguyễn Đồng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu B12 kết luận: Với một đơn vị đầu mối xăng dầu như Công ty Xăng dầu B12, kho bể, tuyến ống, mạng lưới phân phối trải rộng trên nhiều tỉnh, thành, Xăng dầu và tiền luôn chảy suốt cả ngày lẫn đêm, việc nâng cấp cơ sở vật chất là ưu tiên số 1. Nhưng nếu không ứng dụng CNTT vào quản trị nguồn lực của mình thì không thể thành công được!