Thúy Hà
Ngày 01/7/1973 Công ty tiếp nhận Xăng dầu Quảng Ninh (nay là Công ty Xăng dầu B12) được thành lập để tiếp nhận, vận chuyển xăng dầu thực hiện nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập B12, TCCT có bài phỏng vấn Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/PLX) Phạm Đức Thắng. Xin trân trọng giới thiệu cùng Quý vị và các bạn.
TCCT:Thưa Tổng giám đốc, nhân dịp 45 năm thành lập Công ty Xăng dầu B12, xin ông cho biết những dấu mốc quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị này?
Ông Phạm Đức Thắng: Petrolimex rất tự hào và trân trọng công sức, trí tuệ CBCNV-NLĐ Công ty Xăng dầu B12 (sau đây gọi tắt là “B12” - PV) các thế hệ đã dày công vun đắp, xây dựng B12 hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị - chiến lược lịch sử trước đây của đất nước và tiếp tục phát triển khang trang, hiện đại như hiện nay; tiếp tục phát huy hiệu quả trong bảo đảm nguồn xăng dầu cho khu vực rộng lớn phía Bắc; bao gồm cả phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh và dự trữ quốc gia.
Về các dấu mốc, thì tôi có thể khái quát như thế này:
Thứ nhất, B12 đã vượt qua khó khăn bỡ ngỡ đưa tuyến ống vào hoạt động đảm bảo xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh ở miền Bắc và ra chiến trường giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thứ hai, với sự hỗ trợ của Liên Xô (trước đây), B12 đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống kho bể tuyến ống để tiếp nhận và bơm chuyển 1.500.000 m3 xăng dầu/năm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
Thứ ba, B12 đã vận động vươn lên đầu tư hiện đại hóa hệ thống cầu cảng, kho bể, tuyến ống, hệ thống phụ trợ và mở rộng mạng lưới phân phối thích ứng với yêu cầu phát triển của thị trường nâng khả năng thông tuyến đến 4 triệu m3 xăng dầu/năm.
Thứ tư, B12 đã tiên phong ứng dụng tin học & tự động hóa hoàn chỉnh công tác quản lý, khai thác tối ưu nguồn lực, phát huy thế mạnh để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tôi cho rằng, mỗi thời mỗi nhiệm vụ cụ thể khác nhau, nhưng điều không thay đổi chính là vị thế đặc biệt quan trọng của Công trình B12 trong nền kinh tế nước nhà và tỉnh Quảng Ninh.
TCCT:Nét đặc trưng & sự khác biệt của B12 với các đơn vị thành viên Petrolimex là gì, thưa ông?
Ông Phạm Đức Thắng: Nét đặc trưng, sự khác biệt nhất của B12 không chỉ riêng ở Petrolimex mà xét trên quy mô toàn quốc và trong khu vực; thì đây là công trình hiện đại duy nhất có ở Việt Nam về loại hình vận chuyển xăng dầu bằng đường ống, mang tính tiên tiến trên khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa lịch sử và chiến lược trong bảo đảm an ninh năng lượng cho nước nhà, mà cụ thể là khu vực phía Bắc rộng lớn, có địa hình phức tạp của chúng ta.
Vận chuyển xăng dầu đường ống là loại hình vận tải xăng dầu an toàn nhất, hiệu quả nhất; không phải nước nào/hãng nào cứ muốn là có thể làm được.
Còn về cụ thể thì có 2 ý sau:
Thứ nhất, đó là sự đồng bộ về cơ sở vật chất mà không một đơn vị thành viên nào thuộc Petrolimex có được, với bộ 3 hệ thống: Cảng dầu - tuyến ống - kho bể gắn kết chặt chẽ với nhau thành một tổng thể liên hoàn của tầm nhìn chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng cho cả khu vực rộng lớn phía Bắc.
Thứ hai, tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu do B12 quản lý là tuyến đầu tiên và duy nhất cho đến nay được xây dựng ở nước ta, với chiều dài gần 600 km, được trang bị hệ thống tự động hóa từ khâu xuất nhập, bảo quản và bơm chuyển; một chỉnh thể của hệ thống đo mức, tự động hóa bến xuất thủy, bộ, đồng hồ lưu lượng kế tuyến ống tạo thành một cơ quan đầu não điều khiển trong tuyến ống B12.
TCCT:Vâng, nhân nói đến hệ thống tự động hóa trên tuyến ống, ông có thể cho biết thêm về việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý chất lượng và điều hành của B12?
Ông Phạm Đức Thắng: B12 là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện chủ trương của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam về áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng và điều hành.
Công ty đã triển khai thành công phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), quản lý mạng lưới cửa hàng bán lẻ (EGAS) - Đây là 2 công cụ quản trị sử dụng các thiết bị, phần mềm, máy tính và mạng để kết nối các máy bơm, kho bể, cửa hàng, các máy tính để hình thành nên số liệu phục vụ công tác quản trị điều hành đưa ra các quyết định chính xác và hiệu quả tối ưu.
Đến nay, B12 đã xây dựng cho mình một bộ hệ thống tự động, bao gồm: Hệ thống tự động hóa xuất hàng đường thủy; Hệ thống tự động hóa xuất hàng đường bộ; Hệ thống đo mức tự động; Hệ thống báo lẫn tự động; Hệ thống tự động hóa trạm bơm chính; Hệ thống tự động kiểm soát bơm tuyến (lưu lượng kế tuyến); Hệ thống cảnh báo tràn bể; Hệ thống camera quan sát, bảo vệ. Và đặc biệt Công ty đã tổng hòa các hệ thống tự động hóa đó thành Hệ thống điều độ hàng hóa trung tâm và có thể coi là “bộ não” của Hệ thống tuyến ống xăng dầu B12.
Nhờ đó, B12 đã vận hành hệ thống sản xuất, kinh doanh của mình an toàn và hiệu quả; bên cạnh đó, Công ty được khách hàng, đối tác tin tưởng, hợp tác; các cấp quản lý ghi nhận, đánh giá cao.
TCCT:Thưa ông, các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của B12 có ý nghĩa thế nào đối với việc bảo đảm nguồn của Petrolimex?
Ông Phạm Đức Thắng: Nếu có một công trình xăng dầu nào được quan tâm, nâng cấp nhiều lần nhất, thì chắc chắn đó phải là bộ 3 hệ thống Cảng dầu - tuyến ống - kho bể do B12 quản lý.
Ðây là dự án đầu tư lớn thực hiện trong nhiều năm gồm nhiều dự án thành phần nhằm hướng tới mục tiêu tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm an toàn, tăng cường năng lực của hệ thống phân phối kinh doanh; đồng thời, góp phần khắc phục nạn ùn tắc giao thông.
Sau nhiều năm đầu tư nâng cấp, Cảng dầu B12 đã từng bước được hiện đại hóa, đến nay có thể tiếp nhận tàu trọng tải tới 40 nghìn tấn cùng với hệ thống cảng xuất hàng cho các loại tàu, xà-lan vận chuyển xăng, dầu đi các tuyến đường thủy nội địa.
Tiếp đó phải kể đến các dự án mở rộng sức chứa các kho K130, K131, kho Hải Dương; nâng cấp tuyến ống chính với đường kính từ 159 mm đã tăng lên 219 mm, 323 mm, 406 mm và đồng bộ với việc nâng cấp hệ thống máy bơm chính. Các dự án này đã nâng cao năng lực tiếp nhận vận chuyển lên gấp 3 lần so với thiết kế ban đầu.
Như vậy, sau khi hoàn thành các dự án thành phần, B12 đã có một hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, bao gồm: Cảng dầu tiếp nhận được tàu đến 40.000 DWT, mỗi năm có khả năng tiếp nhận đến 6 triệu m3 xăng dầu các loại; 5 kho xăng dầu với sức chứa gần 400 nghìn m3, được nối liên hoàn với gần 600 km đường ống xăng dầu đi qua 6 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội. Bên cạnh đó, B12 có 126 cửa hàng xăng dầu để trực tiếp phục vụ nhân dân trên địa bàn 4 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên.
45 năm đưa vào vận hành và khai thác, bộ 3 hệ thống Tuyến đường ống - kho bể chứa - cảng dầu giúp cho B12 hoàn thành 3 sứ mệnh: (i) Đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phụ trách; (ii) Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cho hầu hết các tỉnh, thành phố vùng duyên hải, đồng bằng trung du và miền núi phía Bắc; (iii) Dự trữ xăng dầu quốc gia theo kế hoạch, không để thị trường nóng, lạnh bất thường.
Ai đã một lần đến đây đều không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô hiện đại và tầm vóc của bộ 3 trong hệ thống này, bởi sự năng động sáng tạo của một đơn vị luôn đi đầu trong đầu tư và áp dụng công nghệ tự động hóa hiện đại, giúp cho phát huy hết tính năng, hiệu quả của tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu độc nhất vô nhị ở nước ta.
Nhạc sĩ Văn Dũng cũng đã từng tới đây thực tế tháng 7/2010 để sáng tác lên Bài ca Petrolimex; trong đó, có viết: Xăng dầu từ đây như dòng máu đỏ/theo những đoàn quân ra nơi tiền tuyến/trên khắp nẻo đường dựng xây quê hương/…
TCCT:Theo ông, trong thời gian tới, B12 cần ưu tiên đầu tư thế nào để vừa làm tốt trọng trách của một đơn vị đầu mối, vừa mở rộng kinh doanh của mình?
Ông Phạm Đức Thắng: Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam các thế hệ đều nhất quán tập trung xây dựng tuyến ống B12 đạt các mục tiêu an toàn & hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất của thế giới vào quá trình quản lý, vận hành tuyến ống và các công trình trên tuyến tính từ Cảng dầu B12.
Thời gian qua, B12 đã làm rất tốt điều này, đã được báo chí đi thực tế đưa tin cũng như thực tế vận hành của B12. Lãnh đạo các bộ ban ngành & tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho B12 nói riêng, Tập đoàn nói chung hoàn thành nhiệm vụ của mình, nó vừa là sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhưng đồng thời, cũng là an ninh năng lượng của quốc gia cho phát triển kinh tế, dự trữ quốc gia và quốc phòng an ninh.
B12 tiếp tục là công trình trọng điểm của Petrolimex trong đầu tư phát triển, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong tự động hóa, điều độ tối ưu để phát huy tính hiệu quả của tuyến ống chiến lược này; bên cạnh đó, là phòng chống các rủi ro về cháy nổ và môi trường để phát triển bền vững. Đó là tầm nhìn nhất quán của Ban lãnh đạo Petrolimex hiện nay cũng như của các nhà hoạch định chiến lược an ninh năng lượng cho đất nước ta.
TCCT:Trân trọng cảm ơn ông!