Giới thiệu

Chia sẻ

Công đoàn Xăng dầu Việt Nam

Thành lập và Hoạt động:
Phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Xăng dầu Việt Nam gắn liền trong từng giai đoạn phát triển của Petrolimex. Vào những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80, Công đoàn Ngành Xăng dầu ra đời; Những năm giữa thập kỷ 80 đến đầu thập kỷ 90, công đoàn cơ sở các đơn vị thành viên thuộc Petrolimex hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Liên đoàn Lao động địa phương. Trong thời kỳ đổi mới, Ngành Xăng dầu đã sớm định hướng theo các mục tiêu: sắp xếp lại mô hình tổ chức, tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, từng bước hoàn thiện công tác quản lý, đào tạo đội ngũ người lao động; Cũng chính trong giai đoạn này đã xuất hiện nhu cầu khách quan, đó là CNVC-LĐ toàn Ngành cần có tổ chức công đoàn đại diện cho mình ở phạm vi toàn hệ thống để cùng với doanh nghiệp thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược đã đề ra. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Petrolimex đã đề nghị thành lập Công đoàn Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam;

Ngày 11/5/1994, Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam đã có Quyết định số 108/QĐ-CĐTMDL thành lập Công đoàn Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam trên cơ sở tiếp nhận các Công đoàn cơ sở của các đơn vị thành viên trực thuộc Petrolimex từ các Liên đoàn Lao động địa phương.

Ngày 01 tháng 12 năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chính thức hoạt động theo Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt phương án Cổ phần hóa và cơ cấu lại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam để hình thành Tập đoàn Xăng dầu đa sở hữu và Nghị quyết số 01/2011/NQ-ĐHĐCĐ ngày 20 tháng 11 năm 2011 của Đại hội đồng cổ đông thành lập Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Để hoạt động của tổ chức Công đoàn phù hợp với hình thức, loại hình doanh nghiệp cổ phần và cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã có Quyết định số 278/QĐ-CĐCT đổi tên Công đoàn Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam thànhCÔNG ĐOÀN XĂNG DẦU VIỆT NAMkể từ ngày 15 tháng 12 năm 2011.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công đoàn Xăng dầu Việt Nam:


1. Chức năng

- Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC-LĐ Petrolimex;

- Đại diện cho CNVC-LĐ tham gia quản lý, thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của Petrolimex theo quy định của pháp luật;

- Giáo dục, động viên CNVC-LĐ phát huy vai trò làm chủ, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và phát triển bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; Xây dựng Petrolimex ngày càng lớn mạnh.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương công tác của Công đoàn cấp trên và Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp.

b. Tham gia với HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn về Kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế của Petrolimex, tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế, chế độ tiền lương, tiền thưởng và các quy định có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ trong Petrolimex.

c. Phối hợp với HĐQT, Tổng Giám đốc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia các Hội đồng của Tập đoàn để giải quyết các vấn đề có liên quan đến CNVC-LĐ.

d. Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc thực hiện các hình thức tham gia quản lý, thực hiện pháp luật lao động và Luật Công đoàn, tổ chức phong trào thi đua yêu nước; giáo dục theo đặc điểm ngành nghề, hướng dẫn công tác bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách ngành, nghề khác.

e. Nghiên cứu đề xuất về hệ thống tổ chức, mô hình tổ chức, cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp trong hệ thống Công đoàn Ngành; hướng dẫn chỉ đạo Đại hội các Công đoàn cấp dưới; thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp của Công đoàn cấp trên; Chỉ đạo xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

f. Hướng dẫn chỉ đạo Công đoàn cơ sở trực thuộc:

- Nghiên cứu, cụ thể hoá triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các chủ trương, kế hoạch của Nhà nước cũng như của Petrolimex.

- Tổ chức các hình thức tham gia quản lý và bảo vệ lợi ích của người lao động theo quy định của pháp luật; tổ chức Đại hội công nhân viên chức hoặc Hội nghị người lao động; xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể.

- Tuyên truyền, giáo dục CNVC-LĐ nâng cao trình độ nghề nghiệp, thông tin về pháp luật, chính sách, nghĩa vụ, quyền lợi của đoàn viên, CNVC-LĐ trong ngành. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo đặc điểm Ngành.

g. Chủ động phối hợp với Liên đoàn lao động địa phương xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo để hướng dẫn các Công đoàn cơ sở của Ngành đóng trên địa bàn địa phương./.