Đồng Văn sau nghìn ngày thực hiện “30a”

 Hoàng Trường Giang

 08:45 SA @ Thứ Hai - 10 Tháng Mười Hai, 2012

QĐND - Thứ Tư, 05/12/2012, 17:44 (GMT+7)

QĐND - Những ngày cuối năm, sương muối giăng phủ ướt đẫm trên thân ngô sau thu hoạch và loang loáng khắp triền đá tai mèo sắc nhọn của miền cao nguyên đá cực Bắc Tổ quốc. Chúng tôi vượt chặng đường gần 500km từ thủ đô Hà Nội lên với huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) để ghi nhận những đổi thay sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về xóa nghèo nhanh và bền vững, mà đơn vị trực tiếp hỗ trợ huyện là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Học sinh Trường Dân tộc nội trú Phó Bảng (Đồng Văn) trong giờ tự học tại khu nhà nội trú do Petrolimex tài trợ xây dựng

Đổi thay trên đá

Ngay từ sáng sớm, không chỉ lãnh đạo huyện, các ban ngành mà đầy đủ cán bộ 19 xã, thị trấn, các trưởng thôn và rất đông bà con các dân tộc đã có mặt tại hội trường UBND huyện Đồng Văn để dự Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tại địa phương. Phó chủ tịch UBND huyện Lý Trung Kiên làm tan bầu không khí giá lạnh bởi câu chuyện về những đổi thay trên miền đá Đồng Văn sau hơn 3 năm được Petrolimex tài trợ thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, tổng nguồn kinh phí được Petrolimex bố trí thực hiện các chính sách từ năm 2009 đến năm 2011 trên địa bàn huyện là 106 tỷ 170 triệu đồng. Bên cạnh đó, tập đoàn đã trợ giúp tiền giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng cho gần 13.500 hộ; hỗ trợ vốn vay lãi suất bằng 0% cho hơn 7.600 hộ; Hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi cho 1.320 hộ; Hỗ trợ mua giống trồng cỏ để chăn nuôi gia súc cho 2.545 hộ; Hỗ trợ gạo hộ nghèo thôn biên giới chưa tự túc được lương thực đối với 165 lượt hộ, tổng số gạo là hơn 30 tấn. Đồng thời, tổ chức tăng cường hoạt động khuyến nông, giúp đỡ giống, vật tư xây dựng mô hình khuyến nông cho 172 hộ; tăng mức trợ cấp cho 224 cán bộ khuyến nông thôn bản; quy hoạch nông, lâm nghiệp được 19 xã, thị trấn… Ngoài ra, huyện cũng đã thực hiện nâng phụ cấp cho 224 nhân viên y tế thôn, bản; mua thẻ bảo hiểm y tế cho 63.650 người nghèo, người dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho 1.705 người…

Cũng theo Phó chủ tịch Lý Trung Kiên, Nghị quyết 30a cùng với Petrolimex đã đầu tư 30 công trình hạ tầng dân sinh. Trong đó có 16 công trình đường kết nối giao thông từ huyện đến xã và các thôn, 10 công trình điện, 1 trung tâm dạy nghề, 3 công trình thủy nông, 1 bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn. Riêng nguồn kinh phí trùng với mục tiêu Nghị quyết 30a lồng ghép cho 16 công trình... Đặc biệt, vui hơn là 2.800 hộ đồng bào nghèo đã được hỗ trợ làm nhà ở kiên cố, xóa nhà tạm, dột nát... Cũng nhờ vậy mà từ năm 2009 đến hết năm 2010, huyện Đồng Văn đã có 1.256 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 51,82% đầu năm 2009 xuống còn 33,80% cuối năm 2010 (theo chuẩn cũ). Riêng năm 2011, theo chuẩn nghèo mới áp, đã có 900 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70,15% xuống còn 63,25%....

Huyện lỵ Đồng Văn hôm nay đã khang trang, đẹp đẽ hơn xưa

Vẫn nhọc nhằn cao nguyên cực Bắc!

Mặc dù đã có những chuyển mình rõ rệt, nhưng Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Hoàng Văn Thịnh vẫn nhận định, thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Nghị quyết 30a cùng Petrolimex. Có thể kể ra như chính sách hỗ trợ thông qua nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng hiện nay đang áp dụng mức 200.000 đồng/ha là thấp so với thu nhập và giá cả, chưa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng. Trên thực tế, quỹ đất rừng giao cho hộ nghèo bình quân của các xã, thị trấn không quá 3ha/hộ, như vậy người dân khó có thể thoát nghèo từ rừng. Hay như hiệu quả tổ chức xuất khẩu lao động đạt rất thấp mà nguyên nhân do lao động ở địa phương hạn chế về trình độ văn hóa cũng như chuyên môn, đòi hỏi công tác đào tạo phải có thời gian. Mặt khác, do phong tục tập quán và tâm lý không muốn xa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số... làm cho việc vận động, đăng ký tham gia gặp rất nhiều khó khăn. Thêm nữa, dù được đầu tư xây dựng một số công trình y tế kiên cố, khang trang, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là trình độ văn hóa của đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản không đồng đều, dẫn đến việc tập huấn, tiếp cận chuyên môn để thăm khám, chữa bệnh tại chỗ cho người dân không phát huy được hiệu quả cao. Các trường học, nhà nội trú cho học sinh, nhà công vụ giáo viên được xây thêm nhưng đồ dùng, trang bị bên trong thì hầu như lại không được đầu tư nhiều, khiến việc nâng cao chất lượng dạy và học chưa tốt…

Ông Lỳ Mý Pó, Trưởng thôn Sảng Pả, xã Phố Cáo, có ý kiến rằng, chính sách cho vay một lần với lãi suất 0% để mua giống gia súc với mức 5 triệu đồng là quá thấp so với giá con giống thực tế. "Ngoài thị trường hiện nay giá một con trâu, bò khỏe mạnh đều từ 12-15 triệu, cá biệt có những con tốt giá tới 20 triệu, mà Nhà nước chỉ hỗ trợ bà con 5 triệu đồng thì hộ nghèo không thể mua được một con trâu hoặc bò để phát triển sản xuất - ông Lò Mý Pó bày tỏ.

Có thể khẳng định, cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, Petrolimex, các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể và bà con các dân tộc huyện Đồng Văn, Nghị quyết 30a của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Một mùa xuân mới đang về với nhiều đổi thay tích cực ở miền đất cực Bắc Tổ quốc. Tuy nhiên, khó khăn còn nhiều, vì vậy, vẫn rất cần sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của cả xã hội để giúp người dân Cao nguyên đá có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.