Ghi chép của Nguyễn Bằng
Kỳ 1: Sốp Cộp - Còn đó gian nan
Từ Sốp Cộp chúng tôi trở về TP. Sơn La khi màn chiều dần buông xuống. Không khí trong đoàn trầm lắng như lưu luyến 2 anh em Nguyễn Văn Lâm, Bùi Quốc Hùng đã hoàn thành nhiệm vụ. Họ phải vội vã trở về cho một hành trình mới. Những cửa hàng xăng dầu như Sốp Cộp đang đợi chờ họ.
Đã muộn, anh em Chi nhánh Xăng dầu Sơn La vẫn chờ đoàn để cùng ăn tối. Quây quần bên mâm cơm ấm cúng là sôi nổi những lời hỏi han, những kỷ niệm về Sốp Cộp.
13/3, chúng tôi tiếp tục hành trình cùng Xăng dầu lên Tây Bắc.
Từ sáng sớm, các chàng kỵ sĩ Đinh Quang Hưng, Đinh Công Tạo, Phạm Huy Toàn và Lê Văn Quân đã có mặt để kiểm tra xe. Nhìn các anh ân cần "chăm sóc" các chú chiến mã của mình, chúng tôi thấy câu nói xa xưa "yêu xe như con, quý xăng như máu" đến giờ vẫn đúng.
Anh Phạm Huy Toàn và Đinh Quang Hưng đang “chăm sóc” chiến mã trước hành trình vượt Pha Đin
Bốn chiếc xe téc chầm chậm nối đuôi nhau rời Kho Bó Ẩn. Trời Sơn La trong xanh, quang đãng hơn so với 2 ngày trước đó. Trong lòng chúng tôi lâng lâng lời bài hát: “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa Mai chào đón xuân về”.
Cách Sơn La 60 km là đến đèo Pha Đin - “Pha Đin chị gánh anh thồ, đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Pha Đin sừng sững giữa mây ngàn, con đường đi vào trang sử hào hùng Điện Biên Phủ năm xưa.
Thời chống Pháp, đèo Pha Đin là một trong những địa danh nổi tiếng trên tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận quân lương cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hơn 8.000 thanh niên xung phong với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã viết lên huyền thoại này. Suốt 48 ngày đêm ròng rã tướng Pháp Christian de Castries đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi (di tích lịch sử quốc gia ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống. Đây cũng là huyết mạch của quân và dân ta đưa các lực lượng lên “Trần Đình” - tên gọi bí mật của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy.
Đèo Pha Đin dài 32 km với điểm cao nhất là 1.648 m so với mực nước biển, được xếp vào một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Mã Pí Lèng. Tại nơi tiếp giáp giữa đất và trời theo ngôn ngữ của người Thái, nổi tiếng hiểm trở cùng khung cảnh hùng vĩ mê hồn cũng là nơi bắt đầu của hành trình kéo pháo cao xạ bằng sức người của bộ đội Việt Nam làm lên kỳ tích Điện Biên Phủ ngày 07.5.1954.
Trong hành trình “Petrolimex ký sự” - đoàn làm phim không thể không ghi hình về phong cảnh núi non hùng vĩ địa danh lịch sử oai hùng này của dân tộc mình.
Đây cũng là tuyến đường mà biết bao nhiêu năm nay anh em lái xe PTS Hà Tây vẫn “ngày qua ngày, đêm qua đêm miệt mài cõng chữ P lên ngàn” - như anh Bùi Văn Thường - Phó giám đốc PTS Hà Tây đã viết.
Anh Đức Long và anh Tiếng Sáng nhanh chóng lắp đặt máy quay điều khiển từ xa lên chiếc xe 7 chỗ dẫn đầu đoàn, còn nữ đạo diễn Quế Ngọc trao đổi với anh Nguyễn Văn Cường và các anh em lái xe để giữ nhịp điệu cho cảnh quay này.
Trên vách núi cheo leo nhưng có góc nhìn trải rộng được tới chân đèo, anh Đức Long loay hoay mất một lúc mới đặt được máy quay. "Xuất phát!" - Mệnh lệnh rành rọt của chị Quế Ngọc được phát đi qua điện thoại. 4 chú ngựa sắt hùng dũng tiến lên.
Vượt đèo Pha Đin, tiến vào Điện Biên
Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty Xăng dầu Điện Biên (Petrolimex Điện Biên) Nguyễn Văn Bình đón chúng tôi tại đỉnh đèo với nụ cười rạng rỡ. Anh nói: "Đèo Pha Đin đã được hạ độ cao, bớt hiểm trở hơn nhiều năm về trước rồi. Nhưng đèo vẫn còn nguyên vẹn 8 cung lên - xuống ngoằn ngoèo và vô số khúc cua tay áo, cua chữ Z, chữ A. Giờ đây, những nơi cao - không còn cao như trước, những nơi hẹp - không còn hẹp như xưa. Vì thế, anh em lên với Điện Biên an toàn hơn, đỡ vất vả hơn”.
Từ đỉnh đèo, chúng tôi ngắm nhìn mây trắng xa xa, hoa ban khoe sắc, bản làng lác đác lưng đèo, hùng vĩ và thơ mộng vô cùng.
Pha Đin hùng vĩ và thơ mộng
Phút giải lao tại đỉnh đèo Pha Đin
Lễ hội Hoa Ban tối nay đang thúc giục chúng tôi lên đường. “Mùa xuân đến Hoa Ban nở trắng cả núi rừng” - Cái bài tập đọc thủa i-tờ ấy cứ văng vẳng trong tôi.
Lễ hội Hoa Ban được tỉnh Điện Biên tổ chức thường niên cứ mỗi độ Xuân về, vào ngày 13/3 - để kỷ niệm Ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Thật là trùng hợp, ngày 13/3 cũng là Ngày truyền thống Ngành Xăng dầu Việt Nam mà ai trong cái nghề Xăng dầu vất vả này cũng rất đỗi tự hào.
Linh hồn của Lễ hội Hoa Ban là truyền thuyết của dân tộc Thái về mối tình đẹp đẽ đầy chất thơ của chàng Khum và nàng Ban. Hoa Ban có màu trắng tinh khôi như tình yêu trong sáng, cuối cánh hoa có màu hồng xác pháo; lá Ban thì như 2 trái tim gắn bó bên nhau. Hoa Ban chỉ nở khi Mùa Xuân về để ngợi ca tình yêu thủy chung đôi lứa, để ban tặng đồng bào các dân tộc kiên cường nơi biên cương Tổ quốc.
Múa: “Truyền thuyết Hoa Ban”
Bà con vùng Tây Bắc coi mùa hoa Ban như nông lịch của mình: Phát nương khi hoa nở, tra hạt lúc hoa tàn. Các bà, các chị lúc lên nương bao giờ cũng đem theo cái giỏ mây để nhặt ít cánh hoa về làm nộm cùng với dấm ớt và măng chua. Năm nào hoa Ban rực rỡ là năm đó mùa màng bội thu.
Sau 3 ngày, đoàn chúng tôi đã đi được 2 phần 3 hành trình “Cõng chữ P lên ngàn”. Tối nay, đoàn dừng chân ở TP. Điên Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cái truyền thuyết Hoa Ban theo chúng tôi đi vào giấc ngủ trong sự yên tĩnh trong lành của núi rừng Tây Bắc. Ngày mai chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình đưa xăng dầu đến Mường Nhé - Miền cực Tây của Tổ quốc.