Ghi chép của Nguyễn Bằng
Ai đã từng hòa cảm xúc của mình vào bài “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng, “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên, bài hát “Đường lên Tây Bắc” của nhạc sỹ Văn An,....thì sẽ hiểu được sự náo nức dành cho hành trình lên Tây Bắc. 9 ngày 8 đêm trên những cung đường huyền thoại, các địa danh lịch sử tới cực Tây của Tổ quốc không chỉ đơn giản trải nghiệm cảm xúc cá nhân mà chính là hành trình mang trách nhiệm, nhiệt huyết Petrolimex hòa cùng niềm tin yêu của các dân tộc anh em.
Phòng Giao dịch K133, sáng 11.3.2015 |
Gần 6 năm rưỡi về công tác tại Phòng Quan hệ Công chúng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tôi được đi nhiều nơi của mọi miền Tổ quốc. Nhưng chuyến ngồi trên xe téc của PTS Hà Tây, cùng đoàn làm phim Petrolimex ký sự lên Tây Bắc thực sự mang tới cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt.
Giao nhiệm vụ cho tôi, Trưởng phòng Quan hệ Công chúng Nguyễn Xuân Hoài nói một câu như tâm tình: “Đây là chuyến đi mà anh hằng ấp ủ kể từ ngày thành lập Phòng đến giờ mới thực hiện được”.
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã có mặt tại Bến xuất Đỗ Xá - Kho Xăng dầu K133 thuộc Xí nghiệp Xăng dầu K133 - Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Petrolimex Hà Sơn Bình).
Anh em lái xe, Bến xuất, Kho có mặt đông đủ. Dường như ai cũng háo hức vì có tin đoàn làm phim. Dường như ai cũng vui vì cái việc mà mình làm thầm lặng mấy chục năm nay rồi sẽ được thành phim ảnh, sẽ được mọi người biết đến. Anh Bùi Văn Thế - Phó giám đốc Petrolimex Hà Sơn Bình cũng có mặt, thay mặt Lãnh đạo Công ty động viên đoàn và căn dặn anh em lái xe nhớ bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người.
Đường lên Tây Bắc xa xôi, nhưng dường như có điều gì đó đang vẫy gọi. Điều gì vậy? Mùa Xuân chăng, hoa Ban chăng hay tình người nơi biên cương Tổ quốc,…
Tháng Giêng, Hà Nội có cái món đặc sản mưa dầm gió bấc, có mưa bụi rơi, có cái giao thoa của Trời và Đất. Phòng Giao dịch K133 gọn gàng sạch sẽ. Từ sớm tinh mơ đã râm ran tiếng chào hỏi nhau và tiếng cười rộn rã. Hôm nay, anh Nghiêm Chí Chính - Giám đốc Xí nghiệp Xăng dầu K133 công bố: Anh em lái xe đi Tây Bắc được ưu tiên nhận hàng trước. Anh em đi các tuyến khác thì xếp hàng lấy số bằng vân tay tuần tự như thường ngày. Tất cả mọi người đều vui vẻ nhận lệnh từ vị Giám đốc Xí nghiệp.
Nhận xong hàng, 9 chiếc xe téc PTS Hà Tây nối đuôi nhau rời Bến, bắt đầu hành trình lên Tây Bắc, “cõng chữ P lên ngàn”. Những cái bắt tay thật chặt, những câu chúc thượng lộ bình an, những bàn tay vẫy những bàn tay biết bao trìu mến.
Xuất phát
Kỳ 1: Sốp Cộp - còn đó gian nan
"Mở hàng" đón chúng tôi trên Quốc lộ 6 là hơn 12km đường đèo của dốc Cun ngoằn ngoèo uốn lượn, dốc nối dốc. Thời tiết càng về trưa chẳng những không hửng nắng mà lại càng mù hơn, có lúc sương mù trở thành mưa rơi nặng hạt. Nỗi lo lắng đầu tiên thoáng hiện lên trong đầu chúng tôi khi muốn ghi hình tại cái nơi được coi là điểm đen về “tai nạn giao thông” trong thời tiết như vậy.
Quyết tâm của đạo diễn Quế Ngọc, của quay phim Đức Long & Tiếng Sáng cùng sự giám sát về an toàn từ Phó giám đốc PTS Hà Tây Bùi Văn Thường đã nhanh chóng gạt bỏ nỗi lo lắng của mọi người. Sau gần 1 giờ đồng hồ, cảnh quay đã thực hiện thành công từ vị trí sườn đèo hiểm trở. Ánh mắt và nụ cười hân hoan của các anh, chị cho chúng tôi thấy điều đó mặc cho tóc ướt mưa và quần áo lấm lem bùn đất, cỏ dại.
Khi những vách núi bên kia Dốc Cun thưa dần, anh Đỗ Văn Định – Phó trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật PTS Hà Tây mới nói: Dốc Cun giờ đã được hạ độ dốc, bớt đi phần nguy hiểm so với trước kia. Giờ đây, nói như anh em lái xe vẫn đùa vui với người ngoại đạo thì Dốc Cun mới là chặng khởi động nhẹ nhàng trên cung đường đẹp như thơ nhưng cũng đầy rẫy nguy hiểm lên vùng Tây Bắc với hàng loạt cung đèo, dốc mà nghe kể lần đầu chắc ít người nhớ hết tên.
Cuối chiều, chúng tôi đến đèo Thung Khe - cái địa danh mà chị Thanh Hương và anh Nguyễn Hải đã nhắc đến trong bài “Gian nan xăng dầu ngược núi” đăng trên Báo Công Thương. Mưa vẫn rơi đều đều và sương mù càng lúc càng đặc quánh. Mây và mưa cũng hòa quện vào nhau. Chúng tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp cheo leo của đèo Thung Khe trong bản phối cảnh diệu kỳ của mây và mưa. Đèo Thung Khe còn gọi là Đèo Đá Trắng, nằm giữa Cao Phong và Mai Châu của Hòa Bình, con đèo đi qua những vực đá dựng đứng, không quá dài và quá dốc nhưng nổi tiếng nguy hiểm từ xưa.
Đặt máy quay tại đỉnh đèo Thung Khe, ngay tại "khu chợ" nhỏ của bà con dân tộc Mường ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, cũng là nơi dừng chân duy nhất của cung đèo, chúng tôi hồi hộp chờ đoàn xe lên trong những cơn gió chiều lạnh đẫm sương núi. Dần hiện ra trong góc máy quay, đoàn xe chầm chậm vượt đèo một cách hùng dũng như một đoàn quân xuyên màn đêm ta đi vượt núi băng rừng. Tất cả các xe đều phải bật đèn chống sương mù để bảo đảm an toàn. Ánh đèn sương mù loang loáng ẩn hiện; tiếng động cơ gầm gào dội vào vách đá dựng đứng làm tất cả mọi người có mặt tại đỉnh đèo đều dừng tay dõi theo đoàn xe với ánh mắt thoáng chút tò mò, trìu mến.
Đèo Thung Khe: Lên dốc và đổ đèo
Sườn bên kia đèo Thung Khe mang tới cho chúng tôi cảm giác yên tâm hơn bằng khung cảnh thật trong trẻo, trái ngược hẳn lúc lên đèo. Không còn sương mù, tầm mắt được trải rộng thư giãn tới những chỏm núi phủ mây xa xa. Thế nhưng cũng chỉ đến hết địa phận Hòa Bình, chúng tôi lại phải tiếp tục băng xuyên qua Rừng già trong lớp sương mù dầy đặc. Nhìn ra ngoài kính xe không thấy gì ngoài một màu trắng xóa đặc quánh như bông và lấp lánh ánh đèn xe vàng vọt.
Không thực hiện được cảnh quay tại đây, ai cũng tiếc. Đoàn hối hả bám lịch trình tới Sơn La để sáng hôm sau kịp vào Sốp Cộp.
Sau 1 ngày trải nghiệm những khoảnh khắc đỏng đảnh của thời tiết, không khí bữa ăn tối muộn và vội vàng tại Mộc Châu vẫn rôm rả những câu chuyện vui, hình ảnh đẹp đoàn đã kỳ công ghi được trên đường. Cuối bữa ăn, 3 anh em lái xe Đinh Mạnh Cường, Dương Minh Chính và Hoàng Văn Minh bịn rịn tạm biệt đoàn để thực hiện nhiệm vụ chuyển hàng tới Mường Bú (Sơn La) và Điện Biên vào sáng hôm sau.
Sương mù nối tiếp sương mù từ Dốc Cun tới Rừng già
Thành phố Sơn La sáng ngày 12/3. Mới Tháng Giêng mà đã có mưa rào. Cơn mưa rào vào sáng sớm làm cho không gian trong trẻo hơn. 6 chiếc xe téc mang hình ảnh chữ P thân thương dần hiện hình sau màn sương phủ của ngày hôm trước. Theo lệnh chuyển hàng, các anh Nguyễn Văn Lâm và Bùi Văn Hùng hối hả lái xe rời Kho Bó Ẩn để kịp đưa hàng vào CHXD số 11 Sông Mã và CHXD số 20 Sốp Cộp.
Sông Mã anh hùng. Con sông nước mình cũng trở thành huyền thoại. Đường vào Sông Mã, Sốp Cộp không có nhiều thay đổi so với mô tả của lần đi thực tế năm 2012 của nhà báo Thanh Hương và Nguyễn Hải. Có khác chăng là chúng tôi được trải nghiệm nhiều hơn những khoảnh khắc trái chiều của thời tiết với đủ cả mưa, sương mù rồi nắng hửng và dành nhiều thời gian hơn tại điểm cao, góc nhìn toàn cảnh để thu hình 2 chú ngựa sắt miết mải bám sát những cung đường dường như cong bất tận để giao hàng kịp tiến độ, không để đứt đoạn nguồn cung xăng dầu phục vụ nhân dân.
Một cung đường vào Sông Mã, Sốp Cộp
Trên con đường đèo vòng vo, ngoằn ngoèo khoảng 130 km từ trung tâm TP. Sơn La vào Sốp Cộp, chúng tôi mong ngóng được tận mắt chứng kiến, ghi hình ảnh những đổi thay tại các con suối Pú Khua, Nậm Ca và Nậm Lạnh, nơi trước đây xe téc chở xăng dầu phải dò dẫm vượt qua đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Anh Bùi Văn Hùng tươi cười nói: “Hình ảnh xe téc của anh Phạm Huy Toàn lội suối năm 2012 đã trở thành lịch sử. Ơn Đảng, ơn Chính phủ, giờ đây đã có cầu để xe bon bon qua Pú Khua rồi.” Nỗi gian nan của những chàng kỵ sĩ áo xanh đã bớt đi một phần.
Nói chỉ một phần bởi vào đến Nậm Ca lúc 1 giờ chiều, chỉ còn 1 đoạn đường ngắn nữa là tới CHXD số 20 Sốp Cộp, chúng tôi thấy chiếc cầu bê tông vượt suối vẫn đang được xây dựng dở dang song song với chiếc cầu sắt nhỏ rung lên từng chập mỗi khi có chiếc xe máy chạy qua.
Cơn mưa rào buổi sáng tưởng như vô hại thì giờ mới phát tác mối nguy hiểm tại đúng đoạn suối cuối hành trình. Người dân quanh đó cho biết nước dâng cao do cơn mưa buổi sáng. Nếu không mưa thêm thì ít nhất phải 1 tiếng nữa nước rút và xe mới có thể vượt qua.
Phụ xe Nguyễn Văn Vận nhanh chóng bước ra giữa suối để dò độ sâu thực tế và xác nhận thông tin với anh Hùng. Trầm ngâm trong chốc lát, anh Hùng nói với chúng tôi: "Các anh cứ vào cửa hàng Sốp Cộp nghỉ trưa, chúng tôi ở lại đây cùng xe để đảm bảo an toàn tối đa cho hàng hóa và xe."
Phụ xe Nguyễn Văn Vận dò độ sâu lòng suối ... | và cùng lái xe Bùi Văn Hùng chờ con nước rút |
Sau 1 tiếng chờ đợi, xe vượt qua suối an toàn
Cửa hàng trưởng CHXD số 20 Sốp Cộp Lò Thanh Thảo đón chúng tôi tay bắt mặt mừng. Mừng vì đoàn đã đến cửa hàng an toàn dù đã quá trưa; mừng vì chỉ 1 tiếng nữa cửa hàng của anh được tiếp xăng dầu phục vụ bà con nhân dân nơi đây.
Theo câu chuyện anh Thảo kể với đoàn, việc chỉ phải đợi 1 tiếng là hết sức may mắn bởi “đưa xăng dầu lên vùng cao không ai có thể nói trước điều gì. Chính tại đây đã có chuyến xe téc chở xăng dầu kẹt lại cả tháng do tiến mắc lũ mà lùi mắc sạt lở đường”.
CHXD số 20 Sốp Cộp “Địa chỉ đỏ trong kinh doanh xăng dầu” tấp nập khách hàng
Lái xe Bùi Văn Hùng và Cửa hàng trưởng CHXD Sốp Cộp Lò Thanh Thảo trong niềm vui giao nhận chuyến hàng an toàn, đúng kế hoạch
Xong thủ tục nhập hàng, anh Thảo tâm sự: “Thương hiệu Petrolimex trở nên thân thuộc với bà con dân tộc là điều tôi rất tự hào vì ở đây người dân tộc rất trọng chữ tín”. Giống như hình ảnh logo Petrolimex mà màu cam của trách nhiệm, nhiệt huyết trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hòa cùng màu xanh của sự tin yêu của bà con các dân tộc nơi đây.
Chúng tôi tìm 1 điểm cao để thu hình toàn cảnh thị trấn. Trong ánh hoàng hôn, Sốp Cộp đẹp yên bình với mênh mông ruộng lúa xanh ngát, những ngọn đồi xanh điểm xuyết hoa Ban trắng, nhiều ngôi nhà khang trang và bà con dân tộc trên những chiếc xe máy nổ ròn rã, vội vã về sum họp cùng gia đình sau một ngày làm lụng vất vả.
"Mùa xuân đến, hoa Ban nở trắng cả núi rừng"...
và hoàng hôn về trên Sốp Cộp thanh bình
Tạm biệt thị trấn bé nhỏ trở lại TP. Sơn La, chúng tôi thầm nhủ: Sốp Cộp rồi sẽ bớt gian nan!