AMT
1.
Chị là Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch kiêm Giám đốc một công ty, nhưng trên phêi và ngoài đời tôi thấy mọi người đều gọi chị là “Chị cả” với sự tin cậy đầy trìu mến.
Chị cả lên sóng VTV, Chị cả nhận cúpBông hồng vàng, Chị cả trực tiếp ra quân bán hàng bà con ạ, …
Bây giờ thời buổi nồi cơm điện chỉ có mỗi cái thìa xới cơm bằng nhựa. Ngày xưa nấu cơm bằng rơm, bằng dầu hỏa rồi bằng dây may xo thì ai cũng biết về đũa cả.
Dọn cơm dứt khoát phải có đũa cả và đũa con (làm từ cây tre già). Đũa nào cũng có đôi, nghĩa là có 2 cái, thành 1 cặp đôi hoàn hảo.
Chức năng đũa cả là để đánh cơm (cho nó tơi lên) và xới cơm. Điều đặc biệt là ngồi ở vị trí đầu nồi để xới cơm bao giờ cũng là Mẹ và Chị cả.
Cùng quây quần trong mâm đấy, nhưng Mẹ và Chị cả có một nhiệm vụ rất quan trọng đó là điều tiết khẩu phần ăn cho mọi người và duy trì không khí bữa cơm được đầm ấm.
Thời xưa khó lắm, đâu được no đủ như bây giờ. Mẹ và Chị cả chăm lo cho mọi người là chính và cũng là người ăn qua quít cho xong bữa mà chẳng mấy ai hay.
Sau này lớn lên tôi cứ nghĩ sao dạo ấy mình vô tâm là vậy - cứ chén như cái máy xong lại chìa cái bát ra làm cho Mẹ và Chị cả ánh mắt bùi ngùi thương cảm như mình là người mắc lỗi vậy: Hết mất rồi, mai vậy nha. Ở cái tuổi “ăn chưa no - lo chưa tới” chắc ai cũng vô tâm vậy thôi. Sau này lớn lên tôi vẫn đành an ủi mình là vậy.
Chị cả (trong Nam kêu là "Chị hai") - cái từ gợi lên bao xúc cảm là thế. Nghe thiệt dễ thương, ấm áp, chân tình.
2.
Lãnh đạo là người “thắp lửa” - chị Hồng Hạnh/MoIT viết bài như vậy. Càng ngẫm càng thấy đúng.
Trong bài viết của mình đăng trên Tạp chí Công Thương, nguyên Tổng giám đốc Petrolimex Trần Văn Thịnh cũng gửi gắm thông điệp đến đội ngũ lãnh đạo quản lý rằng phải “sao cho mỗi CBCNV-NLĐ đều làm việc bằng với cả tinh thần trách nhiệm và tình yêu công việc của mình” (Bài "Đổi mới, sáng tạo - để tiến xa hơn").
Một dàn nhạc chơi có được hay thì phải bắt đầu từ Nhạc trưởng. Ví như “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì rõ ràng chả ai gọi là dàn nhạc và cũng chả còn gì là tác phẩm nữa rồi.
Lửa mà chị Hồng Hạnh nói đến hẳn là lửa lòng, lửa nhiệt huyết của con người. Nó rất khó để mô tả, nhưng điều chắc chắn là có thể cảm nhận được nó. Nó có vị ấm của niềm tin. Nó xuất phát từ trái tim và để đến với trái tim.
Vậy nên, được gọi là Chị cả quả không dễ. Mọi người trân trọng, tin cậy, mến yêu thì mọi người gọi thôi.
Mà, tôi thấy Chị xứng đáng.
Ai có dịp về đây đều công nhận như vậy. Báo Công Thương, đoàn film SCTV cũng vậy,Chinhphu.vn cũng thế.
Ở đơn vị mà Chị làm Chị cả làm người đứng đầu luôn hiện hữu một bầu không khí chân tình gắn kết, nhiệt huyết thi đua lao động sản xuất kinh doanh. Ở họ có một sự quấn hút diệu kỳ. Nghiêm túc mà thân thiện. Chúng ta đến rồi về, nhưng có điều gì đó thật tốt đẹp ấm áp cứ đọng lại sâu lắng trong trái tim mình.
3.
Đất lửa anh hùng là nói về Quảng Trị. Nơi duy nhất ở Việt Nam mình có 3 Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia: Thành Cổ, Trường Sơn và Đường 9.
Khi bạn đến đây thỉnh lên một hồi chuông, dâng lênmột nén nhang thơm, cúi mình trước anh linh các Anh hùng Liệt sỹ - Bạn sẽ nhận lại một cảm xúc linh thiêng đến lạ kỳ. Rồi, bạn sẽ ngẩng cao đầu lên mà kiêu hãnh tự hào là con dân đất Việt. Và, bạn sẽ thấy mọi vất vả khó khăn trong cuộc đời này trở thành nhỏ bé xiết bao.
Những phần mộ có danh và chưa có danh cũng nghiêm trang như những người lính - những người đồng đội đang sát cánh bên nhau chung một chiến hào.
Mỗi ngôi mộ - một phận người, một câu chuyện đã biết đến và chưa hề biết đến; là những chàng trai cô gái đang tuổi thanh xuân hay mái tóc đã ngả màu trận mạc. Đằng sau họ là gia đình, người thân, làng quê trong đau đáu nỗi đau mong nhớ trở về.
Nhưng lớn lao hơn cả, đằng sau họ là Tổ quốc - trong đó có chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
22/12 năm nào cũng vậy, 27/7 năm nào cũng thế - Chị cả đều tổ chức đoàn đến dâng hương lên các Anh hùng Liệt sỹ nơi đây. Chẳng cần nhiều lời mà vẫn là bài học lớn cho mọi người.
Sức mạnh của ý chí, của tinh thần - bao giờ cũng cội nguồn từ một nhận thức đúng đắn.
Mọi người quý Chị, yêu mến Chị bởi biết bao lo toan mà vẫn trìu mến, nhẹ nhàng; biết tìm con đường đi lên cho một tập thể lớn, vẫn chăm lo cho mỗi CBCNV-NLĐ, vẫn quan tâm đến từng gia đình của họ.
Lúc cần bán hàng, Chị khoác áo xanh PLX ra đứng bán hàng cùng anh chị em công nhân. Hỏi như vậy, sao mà không thắp lửa được. Lửa cho CBCNV-NLĐ, lửa cho khách hàng.
Trong mênh mông của thế giới phêi - đôi khi chỉ một tấm hình, đôi khi chỉ một dòng stt cũng đủ để mình nhận ra một ánh lửa hồng, một tấm lòng như Chị.
“Chị cả” là một trường hợp như thế. Và tôi xin mượn từ này của bạn phêi-Trần Minh Hùng để đặt tên cho bài viết này.