Lê Quang Minh
Vân Anh nhận giải Green Prize do Ban Giám đốc công ty trao tặng. |
Tốt nghiệp đại học với hai tấm bằng quản lý môi trường và quản trị kinh doanh, Nguyễn Thị Vân Anh về làm việc tại phòng kỹ thuật an toàn môi trường của Tổng kho xăng dầu Nhà Bè.
Năm 2008, cô cử nhân trẻ sinh năm 1983 cùng các đồng nghiệp lên kế hoạch tổ chức dịch vụ phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu trên sông tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Kế hoạch ngay lập tức được Sở Tài nguyên Môi trường, Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam phê duyệt cho hoạt động theo phương án dịch vụ có thu phí, trở thành đơn vị tiên phong đảm bảo an toàn trong quá trình xuất nhập xăng dầu đường thủy.
Dịch vụ trên vừa được triển khai, lập tức mang lại doanh thu cho công ty, năm 2008: 800 triệu đồng, năm 2009: 1,4 tỷ đồng, năm 2010: 1,4 tỷ đồng. “Trừ chi phí đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng cứu, nhân lực và nhiên liệu thì lợi nhuận mang lại hàng năm khoảng 500-700 triệu đồng. Theo lộ trình, thời gian tới, doanh thu hoạt động này ngày càng tăng cao do số lượng hàng nhập/xuất ngày càng tăng”, Vân Anh cho biết.
Cô vẫn băn khoăn: “Một sự cố kỹ thuật trong đường ống có thể làm tràn khoảng 30m³ xăng và mất 6 giờ để khắc phục, tuy nhiên chỉ thu hồi được khoảng 60% lượng xăng dầu thất thoát, làm đơn vị tổn thất chừng 450 triệu đồng, xăng dầu tràn vào môi trường nước gây ô nhiễm nghiêm trọng”.
Vừa tìm kiếm thông tin, vừa phơi mình giữa cái nắng của cầu cảng, Vân Anh đề xuất lên ban lãnh đạo công ty phương án đổi mới hình thức thực hiện quây phao thường trực trên sông bằng loại phao quây dầu cố định. “Áp dụng cách làm mới, thời gian khắc phục mất chừng hai giờ, lượng xăng dầu tràn dưới 10m³, thu hồi 80% - 90% lượng xăng dầu thất thoát”, Vân Anh tự hào cho biết.
Phao quây dầu hoạt động 24/24, sẵn sàng ứng cứu sự cố tràn dầu trong mọi tình huống nước triều lên, triều xuống. Vẫn sợ dầu tràn, Vân Anh tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện kế hoạch ứng cứu sự cố tràn dầu trong kho (tràn dầu từ bồn bể, đường ống công nghệ, nhập xuất xăng dầu), ứng cứu sự cố tràn dầu trên bộ (tại các vị trí trong kho xăng dầu), kết nối với phương tiện và nhân lực ứng cứu tràn dầu trên sông thành một lực lượng sẵn sàng ứng cứu dầu tràn cả ở trong kho xăng dầu và trên sông.
Vân Anh cho biết: “Kế hoạch đã giảm chi phí nhiên liệu phương tiện tàu kéo ứng cứu để rải phao quây dầu mỗi khi có tàu ra vào hàng năm 300-400 triệu đồng. Tăng doanh thu phí dịch vụ ứng cứu dầu tràn từ 500-700 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, PGĐ Petrolimex Sài Gòn: “Hiệu quả xã hội lớn nhất của cải tiến trên là đảm bảo an toàn môi trường, giúp công ty chủ động ứng phó sự cố tràn dầu trong quá trình nhập xuất xăng dầu, không gây ra ô nhiễm môi trường khu vực sông Nhà Bè và vùng sinh quyển Cần Giờ ở hạ lưu sông Nhà Bè, đảm bảo cho đời sống của người dân, giữ vững hình ảnh sạch đẹp, an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng kho xăng dầu Nhà Bè và Công ty xăng dầu Khu vực II”.
Là đảng viên trẻ có nhiều sáng kiến, Vân Anh liên tục đạt nhiều giải thưởng về môi trường do công ty trao tặng. Đơn vị của Vân Anh cũng được UBND TPHCM tặng danh hiệu “Doanh nghiệp môi trường xanh”. Vừa rồi, Vân Anh là một trong 21 gương công nhân trẻ tiêu biểu được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi do Thành Đoàn TPHCM trao tặng với những sáng kiến thiết thực vì môi trường.