Sức mạnh tinh thần Nhật Bản

 Trương Công

 08:03 SA @ Thứ Năm - 08 Tháng Hai, 2018

Nhật Bản đã quá quen với những lời ca tụng về tinh thần, về ý chí. Nhưng với một đất nước mà dường như bị thiên nhiên "ngoảnh mặt" đi như vậy, tinh thần - ý chí là không đủ mà còn cần có phương pháp đúng đắn để có thể trở thành một siêu cường kinh tế và văn hoá.

3 tuổi là linh hồn của 100 năm

Người Nhật quan niệm một đứa trẻ lên 3 là đã xây xong nền móng cho tương lai của nó. Giai đoạn tốt nhất để giáo dục trẻ em là từ khi sinh ra đến 10 tuổi. Đó là cái gốc, để dù đứa trẻ sau này ra đời có nhiễm những điều xấu thì khi nào cũng có thể trở lại về cái gốc linh hồn tốt đẹp của mình.

Bởi vậy, dù có rất nhiều triết lý giáo dục khác nhau, nhưng các trường học ở Nhật Bản về cơ bản đều định hướng để trẻ em tự làm mọi thứ, không giúp bất cứ việc gì bởi nếu giúp sẽ làm trẻ ỷ lại; bắt buộc làm việc nhóm và chịu trách nhiệm tập thể (một đội chạy thi nếu có 1 thành viên đau chân thì cả đội phải dừng lại hỗ trợ và có thể chấp nhận về cuối cùng); Hình ảnh mà chúng ta thường có thể thấy ở các trường ngay từ cấp mẫu giáo là các thầy hiệu trưởng đứng ngay ở cổng trường để bắt tay chào đón từng em học sinh đến lớp; hay những giờ ăn thì học sinh luôn sẵn sàng trước 5 phút. Luôn sẵn sàng trước 5 phút của mọi việc trong cuộc sống sau này đã được chuẩn bị ngay từ bữa ăn giữa buổi. Có "đặc sản" thiên tai nên tinh thần luôn sẵn sàng rất được đề cao. Vào một lớp học thể thao, nếu phải bỏ giày dép ra ngoài, những chiếc giày dép luôn được xếp ngay ngắn, mũi hướng ra phía cửa để ngay lập tức có thể đi nhanh nhất. "Bạn phải luôn sẵn sàng. Vì thiên tai, có thể đến với bạn bất cứ lúc nào".

I-ta-đa-ki-ma-sự!

Người Nhật thường nói từ này trước khi vào bữa ăn. I-ta-đa-ki-ma-sự nghĩa là "nhận". Dùng ở dạng khiêm tốn ngữ, tức là hạ thấp mình xuống để nâng người khác lên. Từ này dùng khi ăn có nguồn gốc từ tinh thần Phật giáo. Con xin nhận sự sống của loài vật đã hy sinh cho sự sống của con. Chính vì vậy, nó hàm ý cám ơn, trân trọng đồ ăn cũng như sự sống. Cám ơn không chỉ tự nhiên đã mang tặng lại cho đồ ăn mà còn cảm ơn tất cả những ai mang đến cho mình đồ ăn (người nông dân, người nấu ăn...). Đó là sự trân trọng với con người và cả tự nhiên.

Một buổi trà đạo của Nhật Bản thể hiện rõ nhất khát vọng hoà hợp với tự nhiên, hoà tan với cái đẹp tự nhiên trong sự khiêm tốn đến tận cùng. Người trà sư khi mời trà luôn quay phần đẹp nhất của chén trà về phía khách, và người khách khi thưởng trà lại tinh tế hướng phần đẹp nhất về phía người trà sư. Họ luôn chào nhau bằng những cái rạp mình thật sát đất. Tinh thần nhún hạ mình xuất phát từ sự biết ơn, sự trân trọng như là một cặp phạm trù. Có biết ơn, trân trọng thì cũng tự biết nhún mình.

Trong võ thuật cũng vậy. Trong tập luyện, các môn sinh luôn cúi mình cảm ơn trước đối tác tập (vì nhờ có bạn mới có mình,...). Khi chiến thắng thì người chiến thắng cũng cúi chào trước đối thủ chứ không phải là giơ cao nắm đấm thể hiện mình là số 1. Hơn chục năm trước ở Nhật Bản có một bài phê bình kiểu giơ nắm đấm làm điệu chiến thắng của một võ sỹ Sumo vô địch. Vì anh ta chưa thấm nhuần cái tinh thần kia. Cũng dễ hiểu! Anh ta là người Mông cổ...

Khi biết trân quý thì người ta cũng biết phát huy tối đa nguồn tài lực hữu hạn. Ví như cắm hoa nghệ thuật. Chỉ cần vài bông hoa nhưng khai thác tối đa cái đẹp của nó... Và rồi những dòng thơ haiku tuyệt tác: Chim vân tước bay/ Thở ra sương gió /Dẫm lướt từng mây. Trân trọng tự nhiên, hoà hợp với tự nhiên như hơi thở là một sức mạnh nội tại của Nhật Bản. Cái đẹp tự nhiên trở thành "tôn giáo", cái đẹp dẫn dắt nước Nhật đi lên, vượt qua sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, tạo nên cái đẹp riêng có của dân tộc, tạo nên sức mạnh tinh thần Nhật Bản.

Lớn để làm gì?

Nhật Bản luôn mang trong mình khát vọng siêu cường, lớn nhất thế giới. Nhật Bản cũng đang giữ vô số các kỷ lục về lễ hội, sự kiện... lớn nhất thế giới. Nhưng có lẽ không đâu trên thế giới có thể trả lời câu hỏi "lớn để làm gì?" tuyệt vời hơn người Nhật Bản. Rất nhiều quốc gia trên thế giới có phong trào làm lớn, tổ chức lớn chỉ để mà lớn về kích thước, về số lượng.

Người Nhật mong muốn tạo nên những sự kiện lớn với tư duy để càng nhiều người có thể tham gia càng tốt, nhằm phát huy vai trò và sức mạnh của tập thể, không chỉ là tập thể của những người tham gia mà còn là của những người tổ chức. Một lễ hội kéo co ở Okinawa với hơn 200 nghìn người có thể tham gia kéo cùng lúc với sợi thừng Ozuna nặng hơn 40 tấn, cần nửa năm để bện. Một chiếc trống sấm kỷ lục Ghiness ở Akita được làm bằng bộ da một con trâu, và mỗi năm, người dân lại cố gắng tìm 1 con trâu to hơn, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để làm một cái trống to hơn. Trống to hơn để nhiều người có thể đánh hơn.

Và tư duy Kaizen, cải tiến không ngừng nằm ngay trong những sản phẩm thủ công truyền thống được mang vào trong việc sản xuất những mặt hàng Made in Japan lừng danh toàn thế giới. Nhật Bản, một quốc gia bị những ưu đãi tự nhiên "ngoảnh mặt" đi đã lựa chọn con đường tôn vinh tập thể; dùng cái đẹp, cái duy mỹ; huy động sức mạnh nội tại để tạo nên động lực cho sự phát triển. Người Nhật rất tự hào về truyền thống của mình. Những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Những gia tộc đời nọ nối tiếp đời kia. Nhưng cũng chính người Nhật rất mạnh mẽ quyết liệt bỏ tết Âm lịch, ăn tết Dương lịch để hội nhập với toàn thế giới. Người Nhật đi chùa đi đền nhưng thay vì viết những lời cầu xin, họ viết lời quyết tâm thực hiện mục tiêu trong năm lên những tấm gỗ uma. Đó chính là nguồn gốc của sức mạnh Nhật Bản, khởi đầu từ việc nâng niu, chăm sóc, giáo dục một con người theo triết lý: 3 tuổi là linh hồn của 100 năm.