Đức Tuân
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp (DN) vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của DN lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Qua nhiều lần tham dự VBF, kênh đối thoại chính sách quan trọng giữa Chính phủ và cộng đồng DN, Thủ tướng bày tỏ cảm nhận “ngọn lửa nhiệt huyết trong các DN vẫn không ngừng cháy bỏng”. Bên cạnh những gương mặt thân quen là những gương mặt mới, không chỉ những DN có mặt tại Diễn đàn mà còn là một cộng đồng rộng lớn hơn với gần 700.000 DN Việt Nam chưa có điều kiện tham dự hôm nay.
“Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của các bạn là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa”, Thủ tướng nói và cho biết, ông đã lắng nghe, ghi chép tất cả ý kiến mang tính xây dựng lẫn phê bình. Bao trùm lên tất cả là những tâm huyết, trăn trở và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển hùng cường của Việt Nam.
Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tất cả ý kiến tại Diễn đàn, báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu, sửa đổi thể chế hay lưu ý những vấn đề trong điều hành.
Tận dụng những dòng ‘hải lưu thương mại’
Cho rằng thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách lớn, trong đó có sự nổi lên của tư tưởng bảo hộ, căng thẳng thương mại, nguy cơ xói mòn niềm tin vào hệ thống thương mại tự do, nhưng Thủ tướng khẳng định, với sự lạc quan của những người ủng hộ toàn cầu hóa, đề cao những lợi ích của thương mại tự do, chúng ta vẫn luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa.
Nhờ có niềm tin đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, ước đạt khoảng 7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam giờ đã là một “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike, Vinacapital và hàng nghìn DN FDI khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những DN lớn, có tầm cỡ và khả năng cạnh tranh, là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế. Rất nhiều DN của Việt Nam giờ đây không còn chơi trên sân nhà nữa mà đã "giong buồm ra đại dương", đang khẳng định vị thế cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế của DN Việt Nam.
Ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. Việt Nam hiện có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn. Nhiều mặt hàng nông sản giữ vị trí top đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, cá basa… Nhiều chuỗi cung ứng hoa quả, trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi,… thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… "Mỏ vàng nông nghiệp" tiềm năng chưa được khai thác hết sẽ là tiềm năng thu hút đầu tư và hợp tác rất lớn mà Việt Nam trông đợi.
Trước chủ đề của Diễn đàn lần này, “sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu”, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần xem đây như là sự dịch chuyển tự nhiên của những dòng hải lưu. “Có những dòng hải lưu lạnh và cũng có những dòng hải lưu nóng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những dòng “hải lưu thương mại” này để đẩy con thuyền của chúng ta đi nhanh hơn đến đích”.
Điều này đã được chứng minh bằng thực tiễn 3 thập niên đổi mới của Việt Nam. 16 hiệp định FTA đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán cho thấy sự nhất quán trong đường lối tự do hóa và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Các hiệp định này đang mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, là cơ hội được kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam, các DN có thể nhìn thấy hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất.
Cần nỗ lực và hợp tác của 3 bên
Nếu như dòng vốn đầu tư sẽ "chảy" từ nơi có năng suất vốn thấp đến nơi có năng suất vốn cao thì thương mại sẽ "chảy" từ nơi có năng suất cao sang nơi có năng suất thấp. Thuế có thể tạm thời làm biến dạng các dòng chảy thương mại nhưng dòng chảy chính vẫn được quyết định bởi chênh lệch năng suất. Theo Thủ tướng, với ý nghĩa đó, nếu các DN không nhìn thấy và phát huy được lợi thế so sánh của mình thì sẽ rất khó cạnh tranh và thành công. Trong xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu, mỗi quốc gia, mỗi DN không nhất thiết phải mạnh tuyệt đối mới có thể chiến thắng mà chỉ cần biết phát huy lợi thế cạnh tranh tương đối của mình, phát huy sức mạnh riêng có, tạo nên những giá trị khác biệt thì hoàn toàn có thể thành công.
Mặc dù cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số hay các tiến bộ công nghệ được xem là dòng chính quyết định các xu hướng phát triển của nhân loại trong thế kỷ này, nhưng những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc vẫn sẽ trường tồn, là thứ làm nên sự khác biệt, là cội nguồn sức mạnh tinh thần, là giá đỡ cho sự thịnh vượng kinh tế.
Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng cho rằng để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên.
Trước hết là nỗ lực của chính các DN Việt Nam. Tất cả các DN đều có những lợi thế so sánh. Nếu nhận diện đúng và biết phát huy lợi thế đó, DN đã thành công một nửa. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, muốn vươn ra biển lớn, bản thân các DN cũng cần xóa bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ, thay vào đó cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng lớn đang mở ra, phải học hỏi và sáng tạo không ngừng để trưởng thành và thành công hơn nữa.
Thứ hai là sự hợp tác và chia sẻ cơ hội của các DN FDI. Chính phủ Việt Nam mong muốn nhiều tập đoàn quốc tế, các DN FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình; tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ cho các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của các DN Việt Nam.
Thứ ba là thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô. Môi trường chính trị, xã hội và vĩ mô ổn định cùng với vị trí địa chính trị tối ưu sẽ là một lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy biến động và sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin. Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương và địa phương), cải cách DN Nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công,… Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn.
Chính phủ tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Liên tiếp trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, Chính phủ đều ban hành mới Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này cho thấy những cải cách liên tục của Chính phủ trong bối cảnh diễn biến trong nước và quốc tế luôn thay đổi, để không bị bỏ lại phía sau.
Cho biết vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, Thủ tướng nêu rõ, nếu thực hiện tốt Chương trình hành động này sẽ giúp giảm được tối thiểu 10% chi phí cho DN.
“Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của DN vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của DN lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo”, Thủ tướng nêu rõ.
Chính phủ sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
Nhắc lại phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam hồi tháng 9/2018 là Việt Nam không đặt tham vọng “trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa” nhưng, Thủ tướng nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam có khát vọng mãnh liệt để trở thành một quốc gia hùng cường không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong những thập niên tới. Chỉ có sự thành công của cộng đồng DN mới mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam trong những thập niên tới.
Thủ tướng mong rằng Diễn đàn VBF tiếp tục sẽ là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa Chính phủ với cộng đồng DN, là chất keo kết dính các ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của DN với chính sách của Chính phủ.