Nội Bài - một ngày nắng đẹp

 Thúy Hà

 11:01 SA @ Thứ Năm - 05 Tháng Bảy, 2018

Rời Chi nhánh CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex tại Nội Bài trong một ngày nắng đẹp, chúng tôi biết rằng, chỉ ít ngày nữa thôi, những nhân viên tra nạp, giao nhận nhiên liệu bay Jet A-1 sẽ phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, môi trường làm việc. Nhưng được đào tạo chuyên nghiệp, được đãi ngộ xứng đáng, được thừa hưởng truyền thống “chất lính - tình người” của Petrolimex, họ vẫn ngày đêm yên tâm, cống hiến hết mình cho sự phát triển của Petrolimex Aviation để tiến xa hơn.

Linh hoạt theo thực tế

Sáng 20/4, tiếp chúng tôi trong không gian gọn nhỏ của phòng làm việc chưa tới 10 m2, mà ông Đặng Hồng Toan, Phó giám đốc Chi nhánh tại Nội Bài, CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex (PA), giọng cứ to vang, như đang đứng trước hội trường mấy trăm chỗ ngồi.

Một Chuyên viên phòng Kinh doanh PA đi cùng bấm tay tôi, bệnh nghề nghiệp đó. Quả thực, khi được ra bãi đỗ sân bay tận mắt chứng kiến cảnh tra nạp nhiên liệu cho máy bay, mới hiểu được nguồn cơn của giọng nói “to-vang” mà ai ở Chi nhánh cũng sở hữu. Không kể tiếng gầm vang như sấm của máy bay, còn cơ man là âm thanh các phương tiện của các đơn vị dịch vụ mặt đất, xe nạp nhiên liệu, xe kéo, xe đẩy, xe chở suất ăn, xe thang, xe hàng…

Anh Lê Thanh Sơn, lái xe tra nạp nhiên liệu cho rằng, áp lực nhất chưa phải là làm việc trong môi trường nhiệt độ khắc nghiệt, tiếng ồn lớn, mà là phải đảm bảo tiến độ, thời gian theo yêu cầu của khách hàng là các hãng hàng không.

Sáng 20/4/2018 tại Sân bay quốc tế Nội Bài là một ngày đẹp trời, nhiệt độ chưa tới 25 độ C, nhưng anh Sơn bảo, chỉ nửa tháng nữa thôi công việc sẽ rất vất vả. Khi nghe dự báo thời tiết nhiệt độ ngày mai 31-32 độ C, có lẽ phần lớn chúng ta đều dửng dưng, vì đó là nhiệt độ trong nhà. Nhưng ở sân bay, cái gọi “mặt đất” đều là những tấm bê tông, trên nắng xuống, dưới hấp lên, nhiệt độ đo thực tế thường khoảng 39-40 độ. Còn những hôm nhà đài báo 40 độ C, nhiệt độ sân bay bao giờ cũng trên 50 độ C. Anh Sơn còn nhớ như in đợt nắng nóng kỷ lục năm 2015, nhiều đồng nghiệp của anh ở đây đã bị “sốc nhiệt”, Công ty PA phải điều gấp nhân viên từ Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh ra hỗ trợ để đảm bảo lịch bay đúng giờ cho các hãng.

Theo anh Trần Ngọc Huấn, nhân viên tra nạp nhiên liệu, có 2 chuyện căng thẳng mà các nhân viên tra nạp phải tìm cách thích nghi, vượt qua. Thứ nhất, lịch bay của các hãng hàng không thay đổi hàng tháng, và thay đổi theo thực tế (tàu bay về muộn). Một hôm nào đó, ngước nhìn lên bầu trời Nội Bài trong xanh, anh chớ vội mừng. Biết đâu được, ở Paris hay Tokyo lại có mây mù, có mưa bão làm chuyến bay phải cất cánh muộn. Thế là tàu bay đến Nội Bài muộn, và ca trực cũng phải điều chỉnh theo.

Chuyện thứ hai, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các hãng hàng không liên tục rút ngắn thời gian quay đầu. Trước kia 35 phút, năm 2017 rút xuống còn 28 phút, năm nay xuống 27 phút. Thời gian càng ngắn, cường độ làm việc càng căng thẳng hơn. Nhân viên phải thuộc làu quy trình phục vụ đến từng chi tiết. Và để đảm bảo thời gian, gần như không có động tác nào thừa.

Đó là chưa kể khi mưa giông, khi sấm chớp, việc tra nạp cho tàu bay phải ngừng lại; kíp tra nạp phải chờ ngay tại bãi đậu, để ngay khi có thể sẽ tra nạp ngay, không để chuyến bay chậm trễ.

Rồi mùa cao điểm đến, thường vào mùa hè (mùa du lịch) với tần suất các chuyến bay cao hơn các thời điểm khác khoảng 20-40%. Đây là mùa có tỷ lệ tàu về trễ và chậm chuyến cao dẫn đến cường độ tại mỗi ca trực khá cao và việc tăng ca, thay đổi lịch phân ca phải thường xuyên theo thực tế.

Mùa cao điểm tại sân bay cũng là mùa nóng nhất trong năm, nhưng đặc thù của đồ bảo hộ lao động ngành xăng dầu (quần áo, mũ, giầy) khi đáp ứng đủ các yêu cầu sử dụng (chống tĩnh điện, chịu hóa chất....) thì không thể thông thoáng hay nhẹ nhàng. Công ty đã nhanh chóng triển khai chế độ phụ cấp chống nóng, mua nước uống bù điện giải cho tất cả CB-CNV để đảm bảo hỗ trợ tối đa việc duy trì sức khỏe của người lao động.

Các ngày lễ tết cũng là mùa cao điểm. May mắn là tất cả nhân viên khối trực tiếp đều là nam giới, nên gần như tất cả đều xung phong trực tết để những người ở xa có điều kiện về thăm nhà ít nhất một ngày. Đồng thời Công ty, công đoàn Công ty cũng có chế độ và động viên kịp thời nên mỗi người lao động đều coi đây như là nghĩa vụ của bản thân.

Chính vì thế, theo anh Toan, Phó giám đốc Chi nhánh tại Nội Bài, đào tạo một nhân viên tra nạp nhiên liệu không hề đơn giản. Sau khi tốt nghiệp trung cấp xăng dầu 2 năm rưỡi, về Chi nhánh tiếp tục đào tạo nghiệp vụ và thi các chứng chỉ trong khoảng 5-6 tháng. Định kỳ hàng tháng, trên cơ sở hệ thống bản tin của JIGs, Chi nhánh tổ chức trình chiếu, bình giảng để rút kinh nghiệm và đưa ra các biện pháp, phương án phòng ngừa cho từng vị trí làm việc.

Mặc dù, PA nghiêm chỉnh chấp hành Luật Lao động, nhưng việc phải linh hoạt theo yêu cầu thực tế của khách hàng khiến nhân viên tra nạp bao giờ cũng là bộ phận vất vả nhất.

Không chủ quan

Một bộ phận lao động trực tiếp khác là các nhân viên giao nhận hàng hóa. Nhiệm vụ của họ là kiểm soát chất lượng trong quá trình xuất - nhập nhiên liệu hàng không. Một năm có 365 ngày thì cả 365 ngày nhân viên giao nhận phải có mặt ở bồn bể trước 6 giờ sáng. Đúng 6 giờ sáng bắt đầu thực hiện xả đáy để loại bỏ cặn và nước.

Một nhân viên giao nhận cho biết, từ lúc nhiên liệu hàng không Jet A-1 chở từ Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý (Hải Phòng) về, đến khi bơm lên máy bay có 3 lần lọc. Lọc lúc nhập vào bồn bể, lọc lúc xuất ra và lọc trên xe tra nạp. Mục đích là để loại bỏ cặn và đặc biệt là nước. Khi máy bay lên độ cao 9-10 cây số, ở nhiệt độ -41 sự có mặt của nước trong nhiên liệu sẽ làm tắc ống phun động cơ. Do đó, chất lượng và an toàn nằm ở khâu giao nhận.

Tôi hỏi một nhân viên giao nhận, cái khó nhất ở đây là gì? Anh cho biết, có 3 cái khó. Thứ nhất, mọi nhân viên phải được đào tạo bài bản và yêu cầu cập nhật liên tục. Thứ hai, công việc lặp đi lặp lại, từ lấy mẫu lưu đến xả đáy ở 3 công đoạn, làm cho mức độ thuần thục ngày càng cao. Thứ ba, kể từ ngày 01/4/2013 khi Chi nhánh tại Nội Bài tra nạp Jet A-1 đầu tiên cho chuyến bay của Singapore Airlines, đến nay tròn 5 năm chưa xảy ra sự cố mất an toàn nào, việc duy trì thành tích này luôn là thách thức và cũng là động lực của mỗi cán bộ, nhân viên ở đây.

Vậy thì quá tốt chứ sao? Tôi hỏi vặn lại. Vâng, nhưng 3 cái “tốt” này dễ ru ngủ, dễ dẫn đến chủ quan. Bởi thế, để chống lại sự ru ngủ, các anh ở đây luôn tâm niệm rằng, mỗi động tác của mình đều liên quan đến an toàn tính mạng của hàng trăm hành khách ở độ cao 9-10 cây số trên những tầng mây; liên quan đến uy tín của các hãng hàng không; đến thương hiệu của Petrolimex nên không thể bỏ qua, làm tắt một công đoạn nào.

Dù là nhân viên tra nạp hay nhân viên giao nhận thì cái “gây khó dễ” nhất đối với họ vẫn là sự thay đổi lịch bay. Tuy nhiên, thay vì lo lắng hay phàn nàn, mỗi nhân viên của Chi nhánh Nội Bài nói riêng và hệ thống PA nói chung, đều sẵn sàng đối mặt, thích nghi và vượt qua. Họ vượt qua bằng cách xác định một cách đúng đắn rằng, đó là một thực tế của các hãng hàng không, của các sân bay trên khắp thế giới. Họ vượt qua bằng niềm vui rèn luyện sức khỏe. Ngoài giờ làm việc tại Chi nhánh, mỗi người có một thú vui với các môn thể thao mình yêu thích. Trần Ngọc Huấn thích chơi bóng chuyền, tập gym; Lê Thanh Sơn đạp xe, đánh bóng bàn, …

Sự tận tâm, tận lực của họ được khách hàng đánh giá cao. Tại bãi đỗ sân bay Nội Bài, anh Hoàng Trung Thành - Thợ máy của hãng hàng không VietJet Air cho chúng tôi biết, các nhân viên của PA làm việc rất chuyên nghiệp, kể cả các chuyến bay quốc tế đòi hỏi tra nạp nhiên liệu với số lượng lớn, thời gian tra nạp kéo dài nhưng luôn trong giới hạn cho phép, chưa bao giờ làm VietJet Air chậm cất cánh.

Không để máy bay chậm cất cánh, nói thì đơn giản, nhưng với một Chi nhánh mỗi ngày bình quân phục vụ 70 chuyến bay, vào mùa cao điểm lên tới 90 chuyến/ngày, bền bỉ suốt 5 năm qua quả là một kỳ tích, kỳ tích của từng vị trí lao động.

Vì vậy, chúng tôi hiểu, tất cả người lao động của Chi nhánh tại Nội Bài nói riêng và tất cả CBCNV người lao động của toàn Công ty nói chung đã vui mừng đến thế nào khi góp một phần công sức vào ngôi nhà chung Petrolimex Aviation vừa được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba do những thành tích và sự đóng góp vào sự phát triển của ngành vận tải hàng không nói chung, và ngành cung cấp nhiên liệu hàng không nói riêng trong suốt 10 năm qua.

Không có điều kiện đi khắp hệ thống PA, chúng tôi muốn thông qua câu chuyện những nhân viên giao nhận - tra nạp Chi nhánh Nội Bài để ca ngợi, tôn vinh, gửi lời cảm ơn tới hàng trăm nhân viên tra nạp - giao nhận các chi nhánh khác trên toàn hệ thống cũng như toàn thể CBCNV Công ty PA nói chung, không chỉ có những đóng góp to lớn vào thành công của Petrolimex Aviation mà còn góp phần làm lành mạnh hóa thị trường cung cấp dịch vụ hàng không tại Việt Nam.

Rời Chi nhánh tại Nội Bài trong một ngày nắng đẹp, chúng tôi biết rằng, chỉ ít ngày nữa thôi, những nhân viên tra nạp, giao nhận nhiên liệu bay Jet A-1 sẽ phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, môi trường làm việc. Nhưng được đào tạo chuyên nghiệp, được đãi ngộ xứng đáng, được thừa hưởng truyền thống “chất lính - tình người” của Petrolimex, họ vẫn ngày đêm yên tâm, cống hiến hết mình cho sự phát triển của Petrolimex Aviation để tiến xa hơn.