Kỹ sư Nguyễn Hồng Thắng: “Sáng kiến chỉ là tia chớp”

 Thúy Hà

 03:53 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Chín, 2013
Nhưng để tạo ra tia chớp, phải có sự tích tụ điện của các đám mây. Với anh Nguyễn Hồng Thắng, muốn tích tụ điện thì phải không ngừng nghĩ về nó. Thật vậy, sự lóe lên dù chỉ một tia chớp sáng kiến đều phải được bắt nguồn từ rất nhiều suy nghĩ, trăn trở dựa trên một nền tảng kiến thức về khoa học, công nghệ vững chắc. Tia chớp “made by” Nguyễn Hồng Thắng nghe tưởng đơn giản nhưng không hề dễ thực hiện!

“Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm” là câu người ta thường nghe mỗi khi cơ quan nhận xét tổng kết năm về kỹ sư Nguyễn Hồng Thắng, Đội trưởng Đội bảo trì kỹ thuật thuộc Phòng Quản lý Kỹ thuật - Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè (Petrolimex Sài Gòn). Vậy nhưng anh bảo: “Thành tích mà bản thân tôi đã đạt được là do sự chung sức của tập thể”. Thấy chúng tôi cứ không ngớt lời ca ngợi, anh chỉ tủm tỉm cười, lắc đầu. Anh Thắng là vậy. Những đóng góp của anh cho doanh nghiệp thực sự đáng nể. Vậy nhưng luôn luôn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, tìm ra các sáng kiến để cải tiến quy trình sản xuất. Những sáng chế của anh đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Tổng kho xăng dầu Nhà Bè - Cty XDKVII, cũng như Petrolimex..

Kỹ sư Nguyễn Hồng Thắng
Kỹ sư Nguyễn Hồng Thắng

Một trong những sáng chế ấn tượng nhất của anh phải nói đến là “Gia công và lắp đặt ống la-van hút và pha trộn phẩm màu trên tuyến công nghệ nhập xăng tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè” . Đây là sáng chế tiết kiệm công sức lao động của người lao động, chi phí nhân công cực kỳ hiệu quả. Xăng nhập khẩu từ nước ngoài về đều trong suốt (không có màu), không thể phân biệt các loại xăng khác nhau bằng mắt thường. Tổng đoàn Xăng dầu Việt Nam đưa ra quy chuẩn pha màu để giúp khách hàng dễ dàng nhận biết các loại xăng khác nhau bằng mắt thường. Mục đích việc này là phòng chống gian lận thương mại trong quá trình lưu thông.

Petrolimex kinh doanh 2 loại xăng RON 95 và RON 92. Xăng RON 95 có phẩm cấp cao hơn nên để nguyên màu nhập khẩu. Xăng RON 92 được pha màu xanh lá cây. Để pha màu vào xăng, ban đầu người công nhân phải vác phẩm màu lên nóc bể trụ đứng với chiều cao hơn 15 mét, rồi đổ màu vào bể thông qua lỗ đo bồn. Bình quân mỗi năm phải vác khoảng 6 tấn màu lên nóc bể. Việc này chẳng những nặng nhọc, mất thời gian mà kết quả pha màu không được như ý muốn. Bởi màu tan vào xăng đôi khi không đều, có hiện tượng màu bị đóng cục. Để khắc phục hiện tượng này, phải bơm chuyển bể. Lại vừa mất thời gian, nhân công, phát sinh hao hụt và tốn điện, tăng chi phí. Nếu nhập khẩu thiết bị của nước ngoài về để pha thì có giá 12.000 USD/bộ (tương đương 200 triệu VNĐ). Với 3 hệ thống nhập A, B, C, doanh nghiệp phải chi khoảng 600.000.000 đồng để nhập thiết bị này. Tính toán trước những hạn chế đó, anh Thắng đã nghiên cứu pha trộn phẩm màu bằng cách lắp hệ thống ống áp dụng nguyên lý hút phẩm màu bằng ống la-van. Ống la-van được đấu nối song song với hệ thống ống nhập, được hoạt động nhờ các van chặn.

Sáng kiến lắp thêm một hệ thống ống la - van có chất tạo màu song song với ống nhập xăng và thực hiện kết nối để khi nhập xăng thì màu tự pha vào theo nguyên lý tự hút của anh Nguyễn Hồng Thắng đã đem lại những kết quả hết sức khả quan. Tất cả đều đúng định mức, quy chuẩn. Màu tan đều không tốn điện, không tốn thời gian, không phải bơm chuyển bể, không phải vác màu lên nóc bể. Kể từ khi lắp đặt thiết bị pha phẩm màu đến nay, đã đảm bảo an toàn tuyệt đối, đảm bảo chất lượng pha màu cho các nhiên liệu. Mặt khác, thiết bị pha phẩm màu của anh Thắng cùng phòng Kỹ thuật công nghệ nghiên cứu gia công chỉ tiêu tốn 27 triệu đồng, bằng khoảng 1/8 so với thiết bị nhập khẩu. Thật là một con số hết sức ý nghĩa. Giải pháp này của anh Nguyễn Hồng Thắng đã được Hội đồng Khoa học kỹ thuật Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè nghiệm thu, đưa vào áp dụng tại 3 tuyến ống nhập xăng.

Ngoài ra, đội trưởng Nguyễn Hồng Thắng cùng đồng nghiệp còn có rất nhiều sáng kiến khác. Những sáng kiến có thể kể đến là: “Gia công lắp đặt thiết bị an toàn khi bảo dưỡng cần nhập tại các cầu tàu”, “Tự động bù áp lực trong tuyến ống công nghệ PCCC”, “Lắp đặt hệ thống thoát hơi xăng khi xuất xăng cho xe bồn”; lắp đặt hệ thống thoát hơi xăng khi xuất xăng dầu cho xe bồn để giảm nồng độ khí độc cho người lao động, tự động bù áp lực trong tuyến ống công nghệ phòng cháy chữa cháy (PCCC) để vừa chống ăn mòn mặt trong của ống vừa bảo đảm khả năng hoạt động này của hệ thống PCCC, gia công mặt bích thép kết cấu lắp ghép làm kín bằng gioăng amiang có gờ để thay thế kết cấu lắp ghép bằng gioăng cao su tại bến xuất bộ, v.v… Các sáng kiến này đều được Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Tổng kho đánh giá, nghiệm thu; được Lãnh đạo Tổng kho phê duyệt áp dụng và đến nay vận hành an toàn, đem lại hiệu quả thiết thực.

Những sáng tạo của anh Thắng đã góp phần làm lên danh hiệu “Doanh nghiệp môi trường xanh” do Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trao tặng Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè.