Việt Hà
VOV.VN - Bộ Tài chính đề nghị nâng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức 3.000– 8.000 đồng/lít và sẽ áp dụng cho lộ trình dài.
“Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được căn cứ dựa trên nhiều yếu tố và đảm bảo cho lộ trình dài...Mức tăng cụ thể như thế nào sẽ được cân nhắc tính toán, dựa trên tình hình kinh tế và giá cả tiêu dùng trong nước…”, thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo quý 1 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 10/4 tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi, cơ sở nào để điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở mức tối thiểu là 3.000 đồng/lít- mức tối đa là 8.000 đồng/lít, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do. Theo cam kết trong các hiệp định, Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu.
Buổi họp báo quý 1 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 10/4 tại Hà Nội.
Tỷ lệ thuế, phí trên giá cơ sở của Việt Nam cũng đang ở mức thấp, khoảng 36% với xăng, từ 15-21% với dầu, thấp hơn so với nhiều nước như Hàn Quốc là 70%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%. Do đó, trên cơ sở tính toán các yếu tố trên, Bộ Tài chính đề nghị nâng khung thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít – 4.000 đồng/lít lên mức từ 3.000 đồng/lít – 8.000 đồng/lít là phù hợp. Đây sẽ là khung áp dụng cho lộ trình dài.
“Việc điều chỉnh khung thuế chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh. Mức thuế cụ thể thế nào, sẽ phải có các đánh giá tác động đến nền kinh tế trong nước, đảm bảo không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thi cho biết.
Trước những ý kiến lo ngại về việc thu nhiều nhưng chi ít và không đúng mục đích, gây bức xúc dư luận, ông Phạm Đình Thi cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thuế bảo vệ môi trường là khoản thu Ngân sách Nhà nước và được sử dụng chi thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật Ngân sách Nhà nước như chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo xã hội... không phải là chỉ chi cho bảo vệ môi trường.
Trong việc chi cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quan trọng có tác động trực tiếp đến bảo vệ môi trường như xử lý nước thải, xây dựng, nâng cấp đường giao thông... Riêng đối với kinh phí sự nghiệp môi trường vẫn đảm bảo chi không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước.
Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, một trong các giải pháp thực hiện là tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách.
“Tỷ lệ chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước mới là số chi trực tiếp cho bảo vệ môi trường. Chi cho đầu tư phát triển, chi các dự án như dự án xử lý nước thải Hà Nội, TP HCM…hoặc nâng cấp hạ tầng giao thông là chi gián tiếp bảo vệ môi trường. Do đó, cần phải có đánh giá tác động tổng thể. Không thể nói là thu nhiều, chi ít hoặc chi không đúng mục đích. Việc Sử dụng nguồn thu từ thuế này đúng Luật Ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt và có hiệu lực từ đầu năm 2017”, ông Thi khẳng định.
Tại buổi họp báo, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối Ngân sách Nhà nước quý 1/2017 đạt hơn 280.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I đạt 66.800 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Về chi Ngân sách Nhà nước, tổng chi ngân sách quý I ước đạt 284,96 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8%. Bội chi Ngân sách Nhà nước ước 3 tháng là hơn 4.000 tỷ đồng, bằng khoảng 2,27% dự toán năm.