Trần Thị Sánh
(Doanh nghiệp) - Bốn ngày ở Đồng Văn, tận mắt chứng kiến cuộc sống đang thay đổi của người dân các bản làng, ngắm nhìn ánh mắt tươi vui của các em nhỏ trong những ngôi trường mới, cảm nhận sự tận tụy và tấm lòng của cán bộ, CNV Petrolimex và cả sự quyết tâm đổi mới của những người có trách nhiệm huyện Đồng Văn, tôi tin mảnh đất biên cương này sẽ vươn lên để hết nghèo khó, xóa đi màn đêm tăm tối ngàn đời đeo đuổi họ.
Nơi biên cương là đây
Vượt hơn 200 cây số đường đèo núi hiểm trở, cheo leo của cao nguyên đá Đồng Văn trải dài theo 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, chúng tôi đến ngôi trường PTDT nội trú nằm nổi bật giữa thung lũng của Thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, xung quanh là những vạt hoa hồng trồng thử nghiệm và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Tôi không khỏi ngỡ ngàng và xúc động bởi một vùng đất nằm khá xa huyện lỵ, xung quanh bạt ngàn là núi, là đá lại có một ngôi trường khang trang, sạch đẹp như vậy.Tiếng trống tan trường vừa dứt, hàng trăm em nhỏ trong những bộ quần áo dân tộc Tày, Mông, Lô Lô, Pu Péo…với gương mặt tươi sáng từ các lớp ùa ra cổng trường hoặc trở về khu nhà nội trú ba tầng cao ráo.
Đoàn cán bộ, nhà báo Petrolimex thăm đồn biên phòng Lũng Cú
Đón chúng tôi, thầy hiệu trưởng Đặng Đình Hưng cho biết: Đây là khu nhà bán trú trị giá gần 6 tỷ đồng do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tài trợ. Từ 3 năm nay, nơi đây đã trở thành mái nhà thân thương của gần 200 học sinh dân tộc từ lớp 6 đến lớp 9 của 8 xã lân cận. Không còn vẻ rụt rè, nhút nhát như các em nhỏ người dân tộc Gia rai, Ê đê mà tôi đã gặp ở núi rừng Tây Nguyên, Vàm Mí Pó (dân tộc Mông) trả lời rõ ràng những câu hỏi của tôi. Nhà cách trường 16 km, khi chưa có trường nội trú, Pó cùng các bạn phải ở những túp lều tạm bên bờ suối, ăn cơm với nước suối và rau rừng để đi học. Trong bộ quần áo dân tộc Lô Lô sặc sỡ, cô bé Vừ Mí Xá cùng các bạn ngồi trên chiếc giường bằng sắt hát vang bài ca “Hà Giang quê tôi”. Trường đã trở thành tổ ấm của các em bởi các em không chỉ được ở, được học mà còn được ăn uống và sinh hoạt miễn phí, điều mà đối với bà con dân tộc trước đây chỉ là một giấc mơ.
Thăm Trường PTCS Đồng Văn
Không giống Trường PTDT nội trú Phó Bảng, trường THCS Đồng Văn nằm sát huyện lỵ Đồng Văn. Với nguồn kinh phí 9,2 tỷ đồng do Petrolimex hỗ trợ, khu nhà cao 4 tầng với 12 lớp học từ lớp 6 đến lớp 9 cùng các hạng mục phụ trợ đã giúp cho 337 học sinh có chỗ ăn ở và học kiên cố, rộng rãi, không phải học 2 ca như trước. Không những thế, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên. Năm qua đã có 4 học sinh tham dự thi tuyển quốc gia và cấp tỉnh.
Cũng nhờ nguồn kinh phí tài trợ của Petrolimex, bản Lô Lô Chải gồm 95 hộ gia đình người Lô Lô với những căn nhà kiên cố cùng hệ thống nước sinh hoạt, đường bê tông nằm đối diện cột cờ Lũng Cú bắt đầu có của ăn, của để.Trưởng bản Sình Dỉ Gai bảo rằng: Bản của anh chỉ còn 5 hộ nghèo, 90 hộ đã có xe máy thay ngựa chở lúa ngô, nhà nhà có nhà tắm, nhà vệ sinh, con em họ đều được cắp sách đến trường. Chỉ tay lên ngọn núi, nơi lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn đang bay phần phật, Sình Dỉ Gai vui vẻ nói: “Tôi thường nói với dân bản rằng: Mình là người sung sướng nhất, hạnh phúc nhất, đây là mảnh đất thiêng liêng nhất vì ngày nào, giờ nào cũng được nhìn thấy lá cờ của tổ quốc”. Đứng trước sân nhà văn hóa của bản, tôi phóng tầm mắt nhìn lên điểm cực Bắc của Việt Nam tại Lũng Cú và cảm nhận sâu sắc câu nói của Sình Dỉ Gai và niềm hạnh phúc của người dân nơi đây. Ai đó đã từng nói: nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Ðồng Văn, bởi Lũng Cú là "nóc nhà của Việt Nam" nơi mà "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời".
50 tỷ đồng hỗ trợ Đồng Văn
Thực hiện NQ 30a của Chính Phủ trong việc hỗ trợ các huyện nghèo, với vai trò chủ đạo trong việc cung cấp xăng dầu cho cả nước và mục tiêu Để tiến xa hơn, năm 2009, Petrolimex đã nhận trách nhiệm hỗ trợ huyện Đồng Văn, huyện vùng cao núi đá biên cương của tỉnh Hà Giang, cực bắc của tổ quốc cũng là một trong những huyện nghèo nhất, khó khăn nhất của cả nước. Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó TGĐ Petrolimex thì trước đó Petrolimex đã hỗ trợ Đồng Văn với nhiều hình thức. Thông qua Công ty Xăng dầu Hà Giang cùng nhiệt huyết và sự năng động của Chủ tịch kiêm Giám đốc Trần Thị Thu Hương, đồng tiền đóng góp của cán bộ, CNV Petrolimex đã đến tay người nghèo ở Đồng Văn mà điển hình là các nhà lưu trú cho học sinh, trường bồi dưỡng cán bộ chính trị, nhà kiên cố cho bà con dân tộc, hệ thống nước sinh hoạt, bể nước treo, trang thiết bị y tế cho bệnh viên…Ngay sau đó, một bản thỏa thuận đã được ký giữa Petrolimex và huyện Đồng Văn. Theo đó, Petrolimex sẽ hỗ trợ cả 4 nội dung của chương trình 30a theo đúng tiến độ và chất lượng. Sau 5 năm thực hiện cam kết, đến nay Petrolimex đã hỗ trợ các hạng mục, công trình, xóa 2.500 nhà tạm cho người nghèo của huyện với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng (mỗi năm 10 tỷ đồng). Các hạng mục, công trình này đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo bảo chất lương, góp phần làm thay da, đổi thịt vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Trường PTDT nội trú Phó Bảng do Petrolimex tài trợ
Không chỉ hỗ trợ cho huyện nghèo Đồng Văn, nhiều năm qua Petrolimex còn hỗ trợ các địa phương khác, đặc biệt là các bản làng và các trường học ở Tây Nguyên và trở thành doanh nghiệp đi đầu cả nước trong lĩnh vực an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Dẫn chúng tôi đến thăm bệnh viên đa khoa huyện Đồng Văn, nơi mà Petrolimex đã hỗ trợ thiết bị y tế, xe ô tô, máy phát điện,máy giặt sấy quần áo với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng và Trung tâm bồi dưỡng cán bộ chính trị huyện với kinh phí tài trợ 7,1 tỷ đồng, Chủ tịch huyện Đồng Văn Hoàng Văn Thịnh cho biết: Petrolimex đến với đồng bào nghèo Đồng Văn không chỉ bằng vật chất mà bằng cả tấm lòng và trách nhiệm. Trong 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang được các tập đoàn, các doanh nghiệp hỗ trợ theo chương trình 30 a thì Đồng Văn được coi là điểm sáng để các doanh nghiệp học tập bởi Petrolimex thực hiện không chỉ đúng tiến độ mà còn rất hiệu quả.
Chia sẻ quan điểm với Chủ tịch huyện, Phó Chủ tịch Công đoàn Petrolimex Phan Thanh Sơn và Phó Trưởng Ban Chính sách XH CĐXDVN Trần Đoàn, những người luôn tâm huyết và lăn lộn với miền đất khó khăn này cho rằng: Một trong những nguyên nhân để chương trình 30a thành công ở Đồng Văn là do lãnh đạo Petrolimex đã quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể, đưa nội dung này ra trình công khai tại các Đại hội cổ đông hàng năm. Hàng quý đều cử cán bộ lên kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm.Vì vậy, đồng tiền hỗ trợ được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và không bị thất thoát.
Tuy nhiên, Đồng Văn cũng như các huyện nghèo khác trong cả nước, muốn thoát nghèo nhanh và bền vững thì không phải chỉ trông chờ vào Trung ương, vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp mà phải bằng nội lực của chính mình. Bí thư huyện ủy Đồng Văn Sùng Đại Hùng, người sinh ra và lớn lên tại mảnh đất thủ phủ của người Mông hiểu hơn ai hết sự thiếu thốn, nghèo khó của bà con các dân tộc cả về vật chất lẫn tri thức. Hàng ngàn đời nay, Đồng Văn và các huyện vùng cao Hà Giang chỉ có đá và đá, người dân sống trên đá và chết cũng vùi trong đá, nước uống và nước sinh hoạt vô cùng hiếm. Vì vậy, cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng họ từ đời này qua đời khác, thu ngân sách của huyện năm qua chỉ vẻn vẹn có 21 tỷ đồng mà chủ yếu là thu từ thuế, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm gần 51%...
Nghĩa tình miền xuôi, miền ngược
Băn khoăn, trăn trở đó của những người có trách nhiệm ở huyện Đồng Văn đã hiển hiện rõ bằng bản Chiến lược phát triển trong 10 năm tới. Theo đó, Đồng Văn sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh chăn nuôi bò, gia súc, trồng cỏ, đầu tư các mô hình nuôi ong, phát triển gạo đặc sản Khẩu Mang, đưa các giống ngô mới, ngô lai vào trồng, phát triển cây dược liệu, cây ăn quả….Song song với phát triển chăn nuôi, huyện cũng sẽ chú trọng công tác dạy nghề, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Tăng cường các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, phát triển hệ thống giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Nhằm tận dụng và phát huy lợi thế của Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện cũng đã xây dựng chiến lược về du lịch, trong đó có chính sách hỗ trợ các hộ dân đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, phát triển nghề thêu may, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, gìn giữ bản sắc dân tộc, đầu tư khu phố cổ, hình thành khu đi bộ, đào tạo nhân lực, khuyến khích người dân khôi phục cây hoa đào, trồng mới hoa hồng. Tiềm năng và thế mạnh của Đồng Văn còn rất lớn, chỉ riêng năm 2013 đã có hơn 100 ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đến đây. Quý 1 năm nay, lượng khách đến vùng biên cương này đã tăng gấp đôi cả năm ngoái. Với chiến lược đã vạch ra, Đồng Văn đã đặt ra tiêu chí mỗi năm xóa từ 5-7% hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 420kg lương thực/người/năm,tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13%/năm, đảm bảo ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bốn ngày ở Đồng Văn, tận mắt chứng kiến cuộc sống đang thay đổi từng ngày của người dân các bản làng, ngắm nhìn ánh mắt tươi vui của các em nhỏ trong những ngôi trường mới, cảm nhận sự tận tụy và tấm lòng của cán bộ, CNV Petrolimex và cả sự quyết tâm đổi mới của những người có trách nhiệm huyện Đồng Văn, tôi tin rằng mảnh đất biên cương này sẽ nhanh chóng vươn lên để hết nghèo, hết khổ, xóa đi màn đêm tăm tối ngàn đời đeo đuổi họ. Tự nhiên, tôi nhớ tới giai điệu tự hào và thiết tha của bài hát Hà Giang quê tôimà các em nhỏ người Lô Lô đã hát tặng tôi:
Ai về thăm quê hương tôi
Nơi biên cương là đây
Có rừng cây thiên nhiên xanh biết một màu
Đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi
Thắm tình giữa miền xuôi với miền ngược…
Thật vậy, trong cuộc đời làm báo hơn 30 năm của mình, đặt chân đến mọi miền đất nước, song chưa ở đâu và chưa khi nào tôi lại cảm nhận được nghĩa tình ấm áp của người miền xuôi và miền ngược như chuyến đi này. Tôi bâng khuâng và hy vọng mùa hoa đào, hoa mận sang năm, tôi lại được về Đồng Văn, về Lô Lô Chải ngắm nhìn những “con ngựa sắt” chở lúa ngô về nhà, được nghe tiếng đọc bài trong trẻo của các em nhỏ trong những ngôi trường mới, được leo lên cột cờ Lũng Cú trong buổi chiều tà, được nắm bàn tay chai sần và ánh mắt toát lên ý chí quyết tâm bảo vệ biên cương của các chiến sĩ biên phòng thân yêu và lại đắm mình giữa đại ngàn hoa tam giác mạch và nghe câu hát đầy tự hào của các em nhỏ người Lô Lô: Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây. Ôi đẹp sao, đây Hà Giang quê tôi đang đổi mới…
Chưa bao giờ tôi lại thấy yêu thương mảnh đất và những con người nơi địa đầu Tổ quốc đến như thế…