Trần Thị Sánh
(Doanh nghiệp) - Xuôi con đường cheo leo, dốc đứng từ cao nguyên đá Đồng Văn về Hà Giang, chúng tôi gặp những chiếc xe bồn “cõng” trên lưng téc xăng to đùng mang biểu tượng chữ P lặc lè bò từng bước ngược lên các huyện miền núi xa xôi.
Trần Thị Thu Hương bông hồng vàng của Hà Giang
Dù đã nhiều lần chứng kiến những người thợ Lilama, Sông Đà chở thiết bị siêu trường, siêu trọng lên thủy điện Sơn La, Lai Châu, Yaly…, song nhìn những chiếc xe bồn của Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải Petrolimex Hà Nội (Petajico Hà Nội) chở đầy xăng dầu lùi lũi bò chầm chậm, tôi vẫn cứ trầm trồ và không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn thán phục. Dốc núi hiểm trở quanh co, trời mưa lở đất, trời tối hay sương mù xe chở nặng như thế rất dễ xảy ra tai nạn, rủi ro…Vậy mà nhiều năm qua, hàng trăm chiếc xe bồn ấy vẫn âm thầm, lặng lẽ “cõng chữ P” lên ngàn. Ấn tượng về những cây xăng vùng cao cùng những chiếc xe rầm rì đi xuyên đêm ấy cứ đeo đuổi tôi suốt chặng đường. Ông Bàn Đức Vinh - Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang ví von rất hình tượng rằng: Cây xăng dầu Petrolimex như những “máng cỏ” đã tiếp nước cho những “con ngựa sắt” vùng cao.
Người Mèo ơn Đảng
Chủ nhân của những chiếc xe chở đầy xăng dầu đến các bản làng xa xôi, hẻo lánh ấy chính là Công ty Xăng dầu Hà Giang, một trong những “ngôi sao sáng” của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã mang xăng dầu “phủ kín” các huyện, thị xã trong tỉnh. Chở vợ trên chiếc xe máy làm nương về, gặp chúng tôi, anh Giàng Seo Phà ở bản Lô Lô Chải, huyện Đồng Văn khoe rằng: Từ khi được Petrolimex hỗ trợ xóa nhà tạm, gia đình anh chịu khó trồng ngô khoai, nuôi bò và đã sắm được xe máy, điều mà đối với họ ngàn đời chỉ là giấc mơ. Chia sẻ với anh Giàng Seo Phà, ông Vàng Mí Khay bảo: Có xe máy đã khó, nhưng có xăng còn khó hơn bởi trước đây chưa có cửa hàng xăng, bà con đều phải mua của tư nhân vừa đắt vừa không đảm bảo chất lượng. Bây giờ có xăng của Petrolimex rồi không phải chứa xăng trong nhà nữa, cháy nổ rất nguy hiểm.
Khánh thành cửa hàng xăng dầu Liên Hiệp
Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi vào thăm Cửa hàng Xăng dầu Yên Minh, nơi cách đây hơn hai năm đã xảy ra vụ phóng lửa đốt cửa hàng làm chết một nhân viên. Khuôn mặt cương nghị và đen xạm, Cửa hàng trưởng Ngô Minh Tú hái những trái mơ chín mọng và những quả khế vàng trên cây mời chúng tôi. Anh bảo: Kinh doanh xăng dầu ở vùng cao, vùng xa không chỉ khó khăn, vất vả mà đôi khi còn rủi ro, nguy hiểm. Mặc dù doanh thu không cao, sản lượng bán không lớn nhưng với nhiệm vụ chính trị cùng ý thức phục vụ nhân dân, các cây xăng trên vùng cao Hà Giang bán hàng không hạn chế, đồng hồ bơm chính xác, không có hiện tượng găm hàng khi tăng giá.
Nỗ lực đưa xăng dầu lên vùng cao
Giữa bạt ngàn cao nguyên chỉ có đá và đá, các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex nổi bật với diềm mái che màu xanh dương, logo chữ P màu cam tỏa sáng. Tôi ngắm nhìn không chán mắt và thầm khen người họa sĩ có con mắt tinh đời đã thiết kế logo chữ P này thật đẹp và ý nghĩa. Trưởng phòng Quan hệ Công chúng Petrolimex Nguyễn Xuân Hoài, người rất tâm đắc với logo này bảo rằng: “Chữ P này là kết tinh tinh thần của Petrolimex. Màu cam là màu của nhiệt huyết, màu xanh dương là màu của sự tin cậy. Khung logo hình khối vuông thể hiện sự nghiêm túc, vững vàng; hai góc vát mềm mại thể hiện sự linh hoạt và năng động. “Chữ P” này là địa chỉ thân thương của bà con các dân tộc vùng cao và đã trở thành niềm tự hào thương hiệu Việt”.
Đèo bu gà to tướng đi chợ bán, ông Vàng Dí Xá ghé vào cửa hàng mua xăng vui vẻ khoe: “Tôi đi chợ từ 5h sáng nhưng vẫn mua được xăng, có hôm 10 giờ đêm cửa hàng xăng vẫn mở. Nhiều nhà trong bản có xe máy đi làm nương, làm rẫy, đi chợ, hạn chế việc đốt rẫy, phá rừng. Giọt xăng ở vùng cao quý như hạt muối vậy. Người Mèo ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn Bác Hồ lắm”.
Nghe ông Xá nói, tôi thực sự mừng cho bà con các dân tộc Hà Giang và thầm cảm ơn những con người đã có công mang những giọt xăng quý giá đến mảnh đất biên cương của Tổ Quốc. Ngắm nhìn khuôn mặt tươi vui, hăm hở của những đôi trai gái người Mông đèo nhau trên chiếc xe máy đến các phiên chợ, tự nhiên giai điệu ngọt ngào, thiết tha của bài hát “Người Mèo ơn Đảng” mà chàng trai người Mông vừa thổi khèn vừa hát trong đêm phố cổ Đồng Văn lại ùa về trong tôi…
Bao đời nay sống nghèo lam lũ
Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi
Nhớ ơn Đảng đưa tới, ta từ nay ấm no
Bản Mèo vui trong tiếng khèn
Người Mèo ơn Đảng suốt đời
Trách nhiệm và tâm huyết
Tôi đem niềm vui của bà con dân tộc Hà Giang trao đổi với Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Giang Trần Thị Thu Hương. Gần 12 năm “đứng mũi chịu sào” trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ở một trong những địa bàn khó khăn, gian khổ nhất, Trần Thị Thu Hương là một trong “4 nữ tướng” của Petrolimex và được tôn vinh là “Bông hồng vàng” của các doanh nghiệp tỉnh Hà Giang. Trong cuộc gặp gỡ các nhà báo trước chuyến công tác Hà Giang, ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Petrolimex bảo rằng: Lên Hà Giang, nhà báo sẽ cảm nhận sự nhọc nhằn cũng như quyết tâm đưa chữ P lên ngàn của những người đảm nhận trọng trách này. Họ đã góp phần đưa thị phần xăng dầu của Petrolimex lên gần 50%, trong đó Petrolimex “gánh vác” gần như 100% xăng dầu ở các địa bàn khó khăn như miền núi, biên giới, hải đảo, điều mà các nhà đầu tư xăng dầu khác thường né tránh.
Với mục tiêu đặt ra mỗi năm phải xây dựng một cửa hàng xăng dầu ở một huyện cùng sự nỗ lực các thành viên trong Công ty, đến nay, Hà Giang đã được “phủ kín” xăng dầu ở các huyện và thị xã, điều mà không phải Công ty Xăng dầu nào cũng làm được. Tuy nhiên, một nghịch lý mà các doanh nghiệp xăng dầu miền núi luôn phải đối mặt là càng kinh doanh càng lỗ bởi do địa hình hiểm trở, khó khăn nên suất đầu tư lớn, chi phí vận chuyển rất lớn, sản lượng lại thấp. Trung bình riêng chi phí vận chuyển một lít xăng dầu từ Hà Nội lên Hà Giang đã mất 709 đồng. Còn nếu tính từ đầu nguồn (Quảng Ninh) lên Hà Giang chi phí vận chuyển lên tới 1.217 đồng, lên đến huyện Mèo Vạc, Đồng Văn là 1.595 đồng, trong khi định mức chi phí kinh doanh (khấu hao, vận tải, hao hụt, nhân công…) trong công thức tính giá của nhà nước chỉ có 860 đồng/lít. Ngoài ra, Đồng Văn và nhiều huyện vùng cao khác nằm cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, nên hao hụt xăng dầu do nhiệt độ giảm đã tương đương 200 đồng/lít, mỗi xe hàng có khi hao hụt tới 200-300 lít. Chỉ tính 2 con số (vận tải tạo nguồn và hao hụt do nhiệt độ), tôi đã hiểu vì sao các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác không mặn mà đầu tư kinh doanh xăng dầu tại khu vực này.
Minh chứng cho việc làm của mình, Giám đốc Trần Thị Thu Hương đưa chúng tôi đến thăm Cửa hàng Xăng dầu Đồng Văn, một trong 6 huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Chị cho biết: Để có mặt bằng xây dựng cửa hàng xăng dầu ở đây, Công ty phải kè vực hay bạt đồi. Việc xây dựng cũng rất tốn kém do giá vật liệu đắt gấp nhiều lần ở Hà Giang, có vật liệu (cát vàng) cao gấp nhiều lần so với thành phố. Điều đáng quan tâm nữa là năng suất lao động tại Công ty Xăng dầu Hà Giang vào loại cao (35,9m3/người/tháng), song thu nhập của họ lại không cao bởi chi phí đi lại cao gấp 2-4 lần so với vùng thấp. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ chính là kinh doanh xăng dầu, Công ty còn kinh doanh các sản phẩm khác của Petrolimex như gas, sơn, nước giặt, bán bảo hiểm xe máy… nhằm giúp cho người lao động có thêm thu nhập. Quan điểm kinh doanh thấm đẫm tính nhân văn ấy không chỉ khích lệ người lao động gắn bó lâu dài với nghề mà còn bù đắp một phần lỗ cho kinh doanh xăng dầu.
Những ngày ở Hà Giang, nhìn những cây xăng mang biểu tượng chữ P sừng sững nơi địa đầu tổ quốc và cảm nhân quyết tâm của những người làm xăng dầu Petrolimex, tôi mường tượng ra công việc của họ cam go, thử thách đến nhường nào. Họ “cõng” xăng dầu lên đây không chỉ vì chữ tình mà còn vì trách nhiệm. Hương tâm sự: “Niềm vui và niềm hạnh phúc của chúng tôi được nhân lên khi mỗi cây xăng đi vào hoạt động. Nó giống như điểm tựa vững chắc nơi biên cương xa xôi, minh chứng sinh động về sự quan tâm của Đảng và Chính phủ với bà con các dân tộc Hà Giang”. Rồi Hương đọc thơ cho chúng tôi nghe, những vần thơ được viết ra bằng chính tấm lòng của chị:
Bao đời nay người dân mong đợi
Dòng xăng hôm nay đã chảy ngược về
Em mang biểu tượng chữ P lên ngàn…
Tình yêu và Tổ Quốc
Trong buổi làm việc với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Tỉnh đã đưa ra cơ chế, chính sách thuận lợi để mời gọi nhà đầu tư, kể cả đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Nhưng hiện nay mới chỉ có một vài doanh nghiệp tham gia, chiếm 49% số điểm bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Song, các doanh nghiệp này chỉ kinh doanh ở những vùng thuận lợi, các huyện vùng cao chủ yếu do Công ty Xăng dầu Hà Giang cung ứng. Cùng với điểm sáng 30a ở Đồng Văn với số tiền hỗ trợ hơn 50 tỷ đồng và sự quyết liệt đưa xăng dầu lên vùng cao, Petrolimex đã góp phần rất to lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang, xóa đi màn đêm tăm tối ngàn đời đeo đuổi họ.
Không chỉ quyết liệt đưa xăng dầu lên các huyện vùng cao Hà Giang, Petrolimex còn đưa xăng dầu đến các tỉnh biên giới, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, hải đảo và coi đó là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm trong việc bình ổn thị trường xăng dầu, tiếp tục là trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước ngay cả trong bối cảnh nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đã vận hành hết công suất. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex: càng thực hiện nhiệm vụ chính trị này thì việc bù lỗ cước vận chuyển càng lớn. Chỉ tính riêng năm 2013, Petrolimex đã bù lỗ xấp xỉ 100 tỷ đồng.
Là Tập đoàn kinh tế lớn, giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt đảm bảo an ninh năng lượng cho cả nước cùng mục tiêu Để tiến xa hơn, nhiều năm qua, Petrolimex đã thực sự là địa chỉ tin cậy và thân thiết của nhân dân cả nước. Từ doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt, cuối năm 2011, Petrolimex đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần đại chúng với hơn 2.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu phân bổ đều khắp trên 63 tỉnh, thành phố từ vùng thị trường thuận lợi cạnh tranh đến vùng xa xôi hẻo lánh nhất. Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, các cổ đông cho rằng: Trong điều kiện khó khăn, song petrolimex vẫn vững vàng và đã đề ra định hướng chiến lược rất cụ thể. Do bám sát các mục tiêu và giải pháp từ Đại hội đồng cổ đông năm 2013, điều hành hoạt động SXKD linh hoạt, thích ứng kịp thời với điều kiện thị trường, Petrolimex đã đạt được những kết quả khả quan, đặc biệt là hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận, chi trả cổ tức năm 2012 là 5,8% và năm 2013 là 12,14% . Điều này làm cho các cổ đông rất phấn khởi và yên tâm.
Trong những ngày cả nước sục sôi ý chí và biển Đông dậy sóng vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, thì ở cực bắc của đất nước, những chiến sĩ biên phòng Phó Bảng và Lũng Cú cũng đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biên cương phía bắc và cả những người của Petrolimex vẫn bền bỉ “cõng” xăng dầu vượt dốc núi lên cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần ổn định an ninh chính trị xã hội. Tôi hiểu với họ, trách nhiệm cùng tình yêu Tổ Quốc đã tiếp thêm sức mạnh và giúp họ vượt lên tất cả.
Sau chuyến đi thực tế này, tôi càng hiểu rằng: Mùa xuân đất nước đã và đang được khắc họa từ chính những con người, những mảnh đất, những việc làm cao cả như thế. Họ đã cho tôi nguồn cảm xúc, tình yêu trong suốt những tháng ngày cầm bút…