Lê Hằng (thực hiện)
(TN&MT) - Phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, nhằm mang lại một môi trường xanh cho cộng đồng và góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Quan điểm này được gìn giữ và phát huy như thế nào trong giai đoạn mới? Cuộc trò chuyện với giữa ông Vương Thái Dũng - Phó TGĐ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ cho thấy điều đó.
Ông Vương Thái Dũng - Phó TGĐ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
Bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu
PV: Thưa ông, xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường. Nhằm hạn chế tối đa tác động đến môi trường cũng như đảm bảo môi trường sạch, an toàn cho người lao động, trong những năm qua, Petrolimex đã đầu tư cho công tác này như thế nào?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Kể từ khi ra đời cho đến nay, Petrolimex đã coi nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ môi trường và sự an toàn cho người lao động là hàng đầu. Chính vì vậy, Petrolimex đã xây dựng và thực hiện các chương trình, phát triển ngành, kế hoạch dài hạn về công tác an toàn bảo vệ môi trường (BVMT). Kế hoạch hàng năm được triển khai cụ thể và đồng bộ tại các đơn vị sản xuất kinh doanh (SXKD) và các công trình xăng dầu.
Những năm gần đây, Petrolimex đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác BVMT như lắp đặt hệ thống công nghệ, thiết bị hiện đại cho các cơ sở SXKD xăng dầu trong Tập đoàn nhằm đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường tối đa, không để xảy ra sự cố rò rỉ. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) về BVMT luôn được chú trọng và đã triển khai thành công nhiều dự án, hạng mục như: đầu tư hệ thống xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về môi trường tại tất cả các kho và cửa hàng xăng dầu; lắp đặt các mái phao, sơn phản quang ở các bể chứa giảm thiểu lượng hơi xăng phát thải ra môi trường; triển khai hệ thống thu hồi hơi; trang bị hệ thống phao quây tràn dầu, bọt chữa cháy, tàu cứu hộ trên sông biển; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải nhiễm dầu...
Đặc biệt, Tập đoàn là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam đã nghiên cứu ứng dụng và triển khai thành công hệ thống thu hồi hơi xăng dầu (VRU) tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang. Với tần suất xuất, nhập xăng dầu lớn nhất tại phía Bắc, bình quân xuất 4.000 m3 xăng mỗi ngày tại Tổng kho có hàng trăm lượt xe ô tô ra vào. Sau khi vận hành hệ thống thu hồi hơi, hơi xăng dầu đã giảm rõ rệt, ngay trong giờ cao điểm mùi xăng dầu hầu như đã được triệt tiêu. Kết quả quan trắc liên tục đo tại đầu dòng khí xả ra môi trường của thiết bị, nồng độ Hydrocacbon luôn trong ngưỡng 18 - 20g/m3 (Tiêu chuẩn châu Âu: 35g/m3). Trong thời gian tới, Petrolimex sẽ tiếp tục đánh giá, bổ sung để hoàn thiện, khai thác hiệu quả 100% công suất của thiết bị và tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhân rộng công trình này tới các kho xăng dầu đầu mối trong toàn ngành.
PV: BVMT là bảo vệ chính mình và đó cũng chính là sự chủ động trong nhận thức của Petrolimex từ khi đi vào hoạt động cho đến nay. Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm này?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Trong công tác bảo vệ môi trường, việc đầu tiên là chúng ta thực hiện theo các quy định của pháp luật, nhưng vượt lên trên điều đó là mình làm cho chính mình, tức là cho doanh nghiệp và cho người lao động chứ không phải đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Tôi cho rằng, khi người ta làm cho chính người ta, người ta sẽ làm tốt nhất có thể. Với Petrolimex ngay từ những năm 1995, trong khi các quy định của Nhà nước còn sơ khai, chưa rõ ràng, khái niệm ứng phó sự cố tràn dầu còn khá mới mẻ tại Việt Nam, Petrolimex đã chủ động phối hợp, học hỏi các đối tác, bạn hàng kinh doanh xăng dầu tại các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực để tổ chức bộ máy, đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố tràn dầu tại các kho, cảng xăng dầu đầu mối. Cho đến nay, tất cả kho xăng dầu đã có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được phê duyệt; Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu được thành lập từ cấp Tập đoàn đến các công trình xăng dầu; đầu tư hàng nghìn mét phao quây dầu trên sông, biển; hàng chục máy bơm hút dầu tràn; chất thấm dầu; phao thấm; tàu lai dắt ứng phó sự cố… Việc tổ chức và đầu tư cho công tác này đã giúp cho Petrolimex chủ động ứng phó và ứng cứu ở cấp cơ sở khi có sự cố tràn dầu xảy ra. Ngoài ra, Petrolimex đã tham gia hỗ trợ ứng phó cho một số sự cố tràn dầu tại các doanh nghiệp ngoài xã hội tại Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh khi có sự điều động, yêu cầu của UBND các tỉnh.
Điều đó cho thấy sự khác biệt lớn nhất của Petrolimex với những doanh nghiệp khác trong công tác BVMT, đó là sự chủ động đi trước, không coi việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và BVMT là hình thức, đối phó hay dừng lại ở các hoạt động mang tính phong trào.
PV: Qua thực tế chúng tôi nhận thấy Petrolimex vẫn đối mặt với khó khăn là vấn đề ý thức BVMT của khách hàng, vậy Petrolimex sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Đúng là đang có một vấn nạn này xảy ra trong thực tế. Để giải quyết vấn đề này, tại các công trình xăng dầu chúng tôi bố trí các thùng rác tại các vị trí thuận tiện, hướng dẫn khách hàng các vị trí thu gom rác thải; thường xuyên vệ sinh, gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp để tạo ấn tượng, ý thức tốt về cảnh quan, môi trường cho khách hàng. Tại các kho xăng dầu có tần suất xuất nhập xăng dầu lớn, bố trí các bãi đỗ xe ngăn nắp, trang bị các thùng rác tại bãi đỗ xe; trang bị hệ thống xuất hàng tự động, công khai, minh bạch để khách hàng có thời gian theo dõi, dừng chờ vệ sinh cá nhân, thao tác hợp lý, tiết kiệm thời gian.
Petrolimex cũng là đơn vị trang bị các chi tiết khớp nối đồng bộ cho 100% các ô tô xitéc vận chuyển hàng tại các CHXD thuộc Petrolimex (100% đã được lắp đặt hệ thống thu hồi hơi xăng). Ngay tại Tổng kho Đức Giang, các cán bộ công nhân viên có sáng kiến lắp đặt “cổ phụ đa năng” dành cho các xe xitec của các đơn vị chưa có khớp nối đạt chuẩn, đảm bảo sự kín khít khi xuất nhập xăng dầu – nhằm giảm thiểu sự rò rỉ ra môi trường.
Hệ thống thu gom và xử lý chất thải, nước thải bằng vi sinh học đã được đầu tư và vận hành đạt hiệu quả cao trong sản xuất tại Petrolimex Quảng Ninh
Mấu chốt vấn đề là nhận thức
PV: Bất kỳ ở đâu tôi cũng nhận thấy rõ ý thức BVMT của đội ngũ người lao động từ những việc làm rất nhỏ, do đâu mà Petrolimex tạo được điều kỳ điệu đó, thưa ông?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Mấu chốt vấn đề là ở nhận thức. Trước hết sự thống nhất trong ban lãnh đạo, từ Chủ tịch, từ Tổng Giám đốc và đặc biệt là quan điểm, là ý chí xuyên suốt, nhận thức chung nhất trong Ban lãnh đạo Tập đoàn về lĩnh vực BVMT. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là nhận thức đầu tiên từ Ban Lãnh đạo về BVMT và cùng với đó là công tác tuyên truyền ở Petrolimex rất tốt. Petrolimex làm công tác tuyên truyền trong nội bộ rất mạnh mẽ, rất thiết thực. Đó chính là sự vận động mà mất rất nhiều thời gian thì mới có sự chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống cao như vậy.
Tôi nghĩ rằng, dù nói gì đi chăng nữa, vẫn phải xuất phát từ nhận thức quan điểm của người đứng đầu đơn vị. Trách nhiệm người đứng đầu rất lớn. Là tấm gương để anh em cán bộ nhìn vào mà hành động.
PV: BVMT là một trong ba trụ cột để phát triển bền vững, quan điểm của Petrolimex về BVMT như thế nào trong việc góp phần xây dựng thương hiệu, để tiến xa hơn, thưa ông?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Hiện nay, trên thế giới, BVMT được coi là một trong những chỉ tiêu phát triển bền vững, là một xu thế tất yếu của các doanh nghiệp. Là một trong những Tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu – Petrolimex hiểu rằng trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tỉ lệ thuận lợi nhuận kinh tế, không vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài. Chính vì vậy, Tập đoàn luôn tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới nhằm học hỏi và xây dựng một hình ảnh Petrolimex vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại. Đối với mỗi người dân, Petrolimex sẽ là một Tập đoàn kinh tế có thương hiệu, uy tín, an toàn và thân thiện với môi trường.
PV: Từ thực tế của doanh nghiệp, Petrolimex có kiến nghị gì trong công tác bảo vệ môi trường, thưa ông?
Phó TGĐ Vương Thái Dũng: Hiện nay, ngoài Luật còn có rất nhiều các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành khác có sự chồng chéo nhau. Sự chồng chéo đó gây ra sự lãng phí cho DN và xã hội. Thứ nhất, lãng phí này rất lớn nếu tính ra tiền; thứ hai là lãng phí thời gian; thứ ba là các thủ thục hành chính như giấy phép con cản trở hoạt động của DN mà không cần thiết và hiệu quả. Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát lại các Quy định để những quy định ra đời mang tính nghiêm túc và thực thi pháp luật đảm bảo mục tiêu đề ra là BVMT.
Việc đào tạo nghiệp vụ về bảo vệ môi trường cho người lao động cũng vậy. Nên chăng hãy để các DN tự tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ là hiệu quả nhất. Bởi hơn hết chúng tôi hiểu việc chúng tôi đang làm và thực tế chúng tôi trải qua thì khi đó chúng tôi biết nên đưa vấn đề nào vào chương trình đào tạo là cần thiết, hiệu quả nhất để đảm bảo mục tiêu sản xuất kinh doanh hiệu quả, an toàn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!