Việt Hà
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, chính thức hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp cổ phần với mô hình công ty mẹ - công ty con từ cuối năm 2011.
Petrolimex là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện tái cấu trúc theo chủ trương của Chính phủ và thu được hiệu quả cao, theo hướng tiết giảm chi phí, giảm đầu mối để nâng cao hiệu quả kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ kinh doanh của doanh nghiệp và trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Petrolimex đã xác định phương án tái cấu trúc tập đoàn đảm bảo phù hợp với phương án tổng thể của Chính phủ.
Trong đó Petrolimex nằm ở nhóm các doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối, có quy mô và đóng góp lớn cho ngân sách, đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vai trò bình ổn thị trường trong lĩnh vực cung cấp xăng, dầu và các sản phẩm hóa dầu.
Hệ thống kho chứa xăng dầu phục vụ kinh doanh của Petrolimex.
Petrolimex sẽ vận hành theo mô hình tập đoàn kinh tế đa sở hữu với công ty mẹ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam từng bước nâng quy mô, tập trung nguồn lực và tri thức trở thành tổ chức kinh tế mạnh, năng động…
Sau tái cấu trúc, doanh nghiệp lấy sản xuất, kinh doanh xăng dầu là trục chính. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tính thống nhất, minh bạch trên toàn bộ hệ thống tổ chức và quản lý, Petrolimex đã khẩn trương áp dụng thành công các hệ thống quản trị tiên tiến.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Trưởng ban Chiến lược đầu tư Petrolimex cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu của tái cấu trúc, trước hết Petrolimex tái cấu trúc chiến lược kinh doanh và định hướng thị trường mục tiêu, đảm bảo duy trì lợi thế trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và truyền thống của tập đoàn kinh doanh xăng dầu.
Mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước để kinh doanh có hiệu quả: tăng sản lượng, doanh số với tốc độ cao và kinh doanh có lãi trên cơ sở tiết giảm chi phí, từ đó tăng lợi nhuận; phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu thứ cấp thực hiện gắn với khai thác giá trị gia tăng tại các cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu Petrolimex. Petrolimex xác định chiến lược kinh doanh là cơ sở để tái cấu trúc về mô hình tổ chức và hệ thống quản trị.
Gắn kết chặt chẽ với mô hình tổ chức là tái cấu trúc nguồn nhân lực, trong đó xây dựng chức năng, nhiệm vụ, định biên các bộ phận để nâng cao năng suất lao động quản lý, lao động trực tiếp, kiên quyết thực hiện nguyên tắc tái cấu trúc không kèm theo gia tăng lao động.
Bên cạnh đó, tái cấu trúc về tài chính luôn được tập đoàn coi là giải pháp quan trọng, có hiệu quả nhanh trong ngắn hạn và cần phải được định kỳ xem xét, điều chỉnh…
Thực hiện tái cấu trúc, Petrolimex tập trung vào 5 lĩnh vực, trong đó xăng dầu là chính, tiếp đó là vận tải xăng dầu, hóa dầu, gas, xây lắp chuyên ngành. Đây là những ngành nghề liên quan đến nhau và hỗ trợ cho nhau.
Trên cơ sở cấu trúc lại các công ty cùng nhóm ngành nghề, Petrolimex có 6 tổng công ty gồm: Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex, Tổng công ty Gas Petrolimex, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex, Tổng công ty Xây lắp, Tổng công ty Dịch vụ xăng dầu Petrolimex.
Mặc dù thời gian vừa qua, môi trường kinh doanh trong nước và trên thế giới có nhiều biến động, giá dầu biến đổi khó lường nên tác động bất lợi đến hiệu quả kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn. Thế nhưng, khắc phục khó khăn, Petrolimex đã nỗ lực không ngừng để thực hiện tái cấu trúc đạt mục tiêu đề ra.
Ông Lưu Văn Tuyển, Kế toán trưởng Tập đoàn cho biết, từ sau cổ phần hóa và thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thu được những kết quả tài chính rất khả quan: Vốn được bảo toàn và phát triển, tỷ suất lợi nhuận trên vốn ở mức cao và tăng qua các năm.
Vốn chủ sở hữu (bao gồm cả lợi ích cổ đông thiểu số và không bao gồm vốn nhà nước thiếu khi bàn giao sang công ty cổ phần) tại thời điểm: 31-12-2011 là 10.848 tỷ đồng; tại thời điểm 31-12-2015 là 14.893 tỷ đồng; tại thời điểm 30-6-2016 là 20.903 tỷ đồng.
Như vậy, so với thời điểm cuối năm đầu tiên cổ phần hóa (năm 2011), vốn chủ sở hữu cuối năm 2015 tăng 37%; vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30-6-2016 tăng 93%.
Tỷ lệ chi trả cổ tức từ năm 2012 đến 2015 theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Petrolimex là 33,1%, tương ứng với 8,2%/năm – theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Đối với các công ty cổ phần, Công ty TNHH MTV Petrolimex có vốn góp chi phối được thành lập từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam trước đây, hoặc một số Công ty được Petrolimex đầu tư thành lập mới như Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex… đều có mức lợi nhuận cao, vốn điều lệ tăng qua các năm.
Cụ thể: Tổng vốn điều lệ năm 2013 là 6.943 tỷ đồng, năm 2015 là 9.395 tỷ đồng, tăng 35%.
Các doanh nghiệp đều hoạt động có lợi nhuận với mức lợi nhuận/vốn điều lệ cao: Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2013 là 1.566 tỷ đồng với tỷ suất/vốn điều lệ là 23%; Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2015 là 2.655 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ là 36%. Tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ bình quân năm trong giai đoạn 2013-2015 là: 30%.