“Bom tấn” Petrolimex chào sàn

 Anh Việt

 02:22 CH @ Thứ Hai - 24 Tháng Tư, 2017

Sản lượng bán hàng trên mỗi cửa hàng xăng dầu của Petrolimex luôn gấp 3 thị trường

(ĐTCK) Không ngoài dự đoán, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) niêm yết sáng 21/4 đã tạo ấn tượng và cảm xúc mạnh khi giá tăng cao so với giá tham chiếu. Niềm vui của nhiều nhà đầu tư vỡ òa, họ tin tưởng vào tương lai tươi sáng khi quyết định đồng hành cùng Petrolimex.

Vị thế đầu ngành

Đó là lợi thế nổi bật của Petrolimex gắn với lịch sử hơn 60 năm hoạt động. Trong lĩnh vực phân phối xăng dầu, Petrolimex giữ vị trí số 1 với gần 50% thị phần cả nước, hệ thống phân phối rộng khắp với 2.400 cửa hàng gồm hơn 5.300 cột bơm phủ khắp 63 tỉnh, thành phố. Vị trí đắc địa của các cửa hàng xăng dầu, uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm đảm bảo là những lợi thế khác biệt, giúp sản lượng bán hàng trên mỗi cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn luôn gấp 3 thị trường.

Dẫu vậy, Petrolimex luôn lường trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường xăng dầu. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex chia sẻ, thị trường xăng dầu vốn dĩ luôn khốc liệt, do tính thanh khoản rất cao của hàng hóa. Hiện nay đã có xấp xỉ 30 giấy phép nhập khẩu, tới đây sẽ tiếp tục có thêm các giấy phép mới. Petrolimex chủ trương không cạnh tranh bằng giá mà bằng chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ.

Trong chiến lược 5 năm tới, Petrolimex đặt mục tiêu mở rộng hệ thống bán lẻ với 150 cửa hàng/năm và gắn với đó là các dịch vụ tiện ích để gia tăng doanh thu, tận dụng địa điểm của chuỗi phân phối.

Bên cạnh đó, sức mạnh cạnh tranh của Petrolimex nằm ở năng lực quản trị hệ thống hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hiệu quả. Từ năm 2012, Petrolimex triển khai thành công hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP và phần mềm Quản lý cửa hàng xăng dầu EGAS, cho phép quản lý chi phí tối ưu nhất, quản lý đến tận các cửa hàng bán lẻ, quản lý từng lít xăng bán ra theo thời gian thực.

Không chỉ công ty mẹ Petrolimex dẫn đầu trong phân phối xăng dầu, các doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn cũng đạt được quy mô trong nhóm dẫn đầu của từng ngành hoạt động. Chẳng hạn, Tổng công ty Vận tải xăng dầu đứng hàng đầu Việt Nam về số lượng tàu, về vận chuyển hàng hải; Tổng công ty Hóa dầu (PLC) ở vị trí dẫn đầu về dầu nhờn, nhựa đường và hóa chất; Tổng công ty Gas Petrolimex-CTCP mạnh về mạng lưới bán lẻ gas...

Bởi vậy, tăng trưởng của Petrolimex khá bền vững, đồng thời có nhiều dư địa để mở rộng. Năm 2016, doanh thu của Tập đoàn đạt hơn 123.127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 5.166 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phần đạt 4.254 đồng. Với thị giá hiện nay, hệ số P/E của cổ phiếu PLX khoảng 10 lần. So với mức P/E trung bình trên HOSE là 15 lần, mức trung bình của các mã blue-chip là 22 - 25 lần, cổ phiếu PLX còn tiềm năng tăng giá.

Tương lai rộng mở

Trả lời câu hỏi “Dư địa nào để tăng hiệu quả hoạt động của Petrolimex?”, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, bên cạnh giữ vững thị phần và tăng hiệu suất bán hàng trên mỗi cột bơm, quản lý chặt chẽ và tạo ra sự khác biệt là tiềm năng tăng trưởng của Petrolimex. Hiện nay, xăng dầu là mặt hàng được Nhà nước quản lý nên không có tên thương hiệu sản phẩm, nhưng theo xu hướng phát triển trên thế giới, Việt Nam sẽ tiến tới mỗi hãng có tên sản phẩm riêng. Chất lượng khác nhau, cơ sở hạ tầng và tiêu chí phục vụ khách hàng khác nhau, hiệu quả hoạt động của từng doanh nghiệp sẽ có những chuyển động khác biệt.

Petrolimex đã đặt ra định hướng: kết cấu lợi nhuận trên mỗi cửa hàng gồm 50% từ hoạt động kinh doanh xăng dầu và 50% từ các hoạt động khác mang lại. Tập đoàn sẽ phối hợp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đẩy mạnh dịch vụ ngoài xăng dầu trên cơ sở tạo ra các chuỗi dịch vụ tổng hợp tại các cửa hàng. Lợi thế hệ thống bán lẻ rộng khắp của Petrolimex nếu được khai thác tốt sẽ đem lại hiệu quả đáng kể.

Tương lai của Petrolimex còn một tấm lá chắn vững vàng khác là những kinh nghiệm và tiềm lực của đối tác chiến lược Nhật Bản - JX Nippon Oil & Energy (JX NOE). Trong định hướng dài hạn, JX NOE dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu tại Petrolimex từ 8% lên 20 - 25%.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, mức tăng trưởng 2 con số được Petrolimex giữ vững, dựa trên năng lực về quản trị rủi ro. Về điểm này, ông Hitoshi Kato, Phó chủ tịch cấp cao của JX NOE và là thành viên Hội đồng quản trị Petrolimex cho biết, các rủi ro hiện hữu liên quan tới giá dầu và thị trường phân phối xăng dầu, JX NOE có kinh nghiệm nhiều năm trong việc xử lý và đã biến thách thức thành cơ hội tăng trưởng. Dưới sự tư vấn của JX NOE, Petrolimex đang triển khai mạnh cơ chế quản lý rủi ro để thích ứng với mọi kịch bản biến động giá dầu.

JX NOE có điểm mạnh là nắm tất cả các khâu "thượng nguồn" lẫn "hạ nguồn" trong lĩnh vực dầu khí, tức là từ khai thác, lọc hoá dầu đến cung ứng sản phẩm. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Petrolimex đang ấp ủ kế hoạch đầu tư vào khâu “thượng nguồn” nhằm mở rộng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai. Sàn chứng khoán có thể là đôi cánh tiếp sức cho các kế hoạch kinh doanh triển vọng của Tập đoàn.